Tất bật thị trường Tết
Thị trường đã vào nhịp mua sắm Tết Nguyên đán 2023 với nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn so với Tết 2022. Nhiều doanh nghiệp lạc quan sức mua sẽ tăng mạnh trong những tuần cận Tết
Theo ghi nhận của phóng viên tại cửa hàng Farmers Market (đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM) ngày 22-12, không khí mua sắm Tết đã tất bật. Các giỏ quà Tết được xếp kín các lối đi, nhân viên làm việc không ngơi tay. Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc marketing hệ thống cửa hàng thực phẩm Farmers Market, cho biết bước vào cao điểm bán suất quà tặng Tết, nhân viên bộ phận này phải tăng ca để bảo đảm công việc.
Đặc sản Tết bắt đầu bán chạy
Theo ông Võ Thanh Lộc, do chuẩn bị mảng quà tặng từ sớm nên doanh số tại Farmers Market tăng tốt. "Tết năm ngoái, giá trị trung bình 1 suất quà tại Farmers Market là 750.000 đồng nhưng nay chỉ còn 500.000 đồng, thành phần bên trong giỏ quà hàng nội nhiều hơn hàng ngoại" - ông cho biết.
Ông Lộc cho rằng điều mà doanh nghiệp (DN) bán lẻ lo lắng là sang năm 2023, chỉ hơn 1 tuần sẽ kết thúc thời gian ưu đãi thuế GTGT, nhiều mặt hàng từ thuế suất ưu đãi 8% sẽ trở lại mức 10%. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bán hàng hóa ngay dịp Tết.
Đối với mặt hàng gạo, ông Phan Thành Hiếu, Giám đốc Công ty CP Lương thực Phương Nam (TP HCM), đại lý chính thức gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua - DNTN Hồ Quang Trí (tỉnh Sóc Trăng), thông tin sức mua đã tăng mạnh khoảng 1 tuần nay. "Gạo lúa tôm vụ mới được khách hàng đặt mua rất nhiều. Một hộp 2 kg gạo ST25 hữu cơ có giá 160.000 đồng nhưng dự báo sẽ "cháy hàng" do nhu cầu tặng, biếu mùa Tết rất lớn với nhóm khách hàng cá nhân. Còn gạo ST25 túi 5 kg được các cơ quan, tổ chức mua để làm quà tặng cho nhân viên tăng mạnh so với ngày thường và tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Giá bán gạo Tết so với ngày thường vẫn không đổi" - ông Hiếu nêu.
Ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm Baka (Bakafood), nhận xét so với Tết năm ngoái, rượu nhập khẩu, bánh kẹo ngoại năm nay ít được chuộng. Thay vào đó, đặc sản vùng miền, quà biếu mang ký ức quê hương được khách hàng đặt nhiều. Các sản phẩm truyền thống như: bánh chưng, bánh tét, giò chả, khô... được chọn làm quà Tết thiết thực thay cho những món quà hình thức để trang trí. Thời điểm hiện tại, mực khô, tôm khô... và một số hải sản đánh bắt đã tăng giá 10% do bước vào cao điểm cuối năm, sức mua tăng.
"Dù giáp Tết nhưng năm nay, một số mặt hàng lại giảm giá nhờ giá nguyên liệu giảm, như các loại khô từ cá nước ngọt (cá sặc, cá lóc) và các sản phẩm chế biến từ thịt heo" - ông Quốc Anh nói.
Người dân mua sắm Tết tại Co.opmart Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP HCM) Ảnh: Hoàng Triều
Doanh nghiệp tăng dự trữ, cung ứng hàng
Về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa cuối năm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nhận định hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố tháng 12 và cả năm 2022 có chiều hướng thuận lợi, tiếp tục khởi sắc; tăng trưởng tháng sau luôn cao hơn tháng trước.
TP HCM đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng mùa mua sắm cuối năm, cộng hưởng nhiều yếu tố khác giúp tổng mức bán lẻ tăng trưởng tốt. Ước tính sơ bộ, tổng mức bán lẻ trong tháng 12 có thể tăng 2,5% so tháng trước. Tính cả năm 2022, doanh thu bán lẻ có thể tăng đến 20% so với năm 2021.
Theo ông Phương, nhiều sở, ngành và DN liên quan đã có những phương án sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, các đơn vị cần có kế hoạch kỹ lưỡng để chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá hàng hóa.
Theo số liệu của Sở Công Thương thành phố, lượng hàng Tết năm nay mà các DN chuẩn bị tăng 15%-30% so với Tết 2022. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các kênh phân phối, TP HCM đã huy động nhiều DN chuẩn bị, dự trữ nguồn hàng trị giá 22.000 tỉ đồng cho 2 tháng Tết. Khoảng 34.000 tấn hàng hóa đã được chuẩn bị nhằm phục vụ dịp Tết, tập trung vào trứng, lương thực, thực phẩm chế biến...
Ông Bùi Văn My, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), cho biết số lượng thực phẩm chế biến Tết năm nay của công ty tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Giá các sản phẩm chế biến không tăng do giá nguyên liệu đầu vào ổn định. Ngoài các mặt hàng chế biến quen thuộc như chả lụa, lạp xưởng, xúc xích, chả giò..., năm nay Sagrifood có thêm nhiều sản phẩm mới như chả ốc, giò sống, cá thát lát, chả bì cuộn cá thát lát. Để kích cầu, Sagrifood có chương trình ưu đãi cho khách hàng đặt mua thực phẩm chế biến trong dịp Tết được giảm giá từ 10%-25%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chính Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Việt Sin Foods, cho biết công ty đã chuẩn bị hơn 300 tấn hàng hóa phục vụ Tết. Giá cả hàng hóa Tết vẫn ổn định như ngày thường do công ty có kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu dù giá thủy hải sản tăng từ 5%-10% trong tháng 11-2022...
Chợ truyền thống ngóng khách
Trái ngược với hệ thống siêu thị, cửa hàng, kênh phân phối truyền thống vẫn chưa có tín hiệu tăng trưởng.
Theo ban giám đốc 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn, lượng hàng về chợ trong những ngày gần đây còn thấp. Ông Nguyễn Văn Tiển, Phó Giám đốc Thường trực chợ đầu mối Hóc Môn, dự báo sức mua năm nay sẽ không tăng mạnh, nguồn hàng từ các nơi lại dồi dào nên từ nay đến cao điểm Tết khó xảy ra đột biến về giá cả.
Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1, TP HCM), cho biết đến thời điểm này, hàng hóa Tết chưa xuất hiện trong chợ. Chỉ có một vài tiểu thương bán củ kiệu nhưng với số lượng khá ít do lo ngại trữ số lượng lớn không bán hết.
Theo ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ hiện nay ế ẩm nên nhiều tiểu thương chưa vội đặt hàng Tết. Ông Trường cho rằng khi giá xăng dầu giảm thì giá cả ở chợ cũng đã được tiểu thương điều chỉnh giảm theo và ổn định cho đến nay.