A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Việt có thể chi gần 50 tỷ USD "chốt đơn" trên các sàn TMĐT vào năm 2028

Theo khảo sát, những người tiêu dùng Việt Nam có thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên gần như không phụ thuộc vào chương trình khuyến mãi, mà có thể mua sắm bất cứ lúc nào có nhu cầu.

 

Ảnh minh họa.

YouNet ECI và YouNet Media vừa công bố báo cáo Dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam giai đoạn 2025 - 2028. Với sức ảnh hưởng của TikTok Shop và sự phát triển của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment), thói quen mua sắm và mức chi cho TMĐT của người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn.

Theo báo cáo, những yếu tố này có khả năng đẩy dự báo tăng trưởng thị trường TMĐT Việt Nam giai đoạn 2024 - 2028 lên mức tối đa 35% CAGR (tăng trưởng kép hàng năm), tích cực hơn mọi dự báo trước đây từ các bên.

Cụ thể, YouNet ECI và YouNet Media dự báo tổng giá trị giao dịch TMĐT tại Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD/năm vào năm 2028, nếu TMĐT Việt Nam đạt được hết những cơ hội tăng trưởng đang xuất hiện.

3 cơ sở cho dự báo tích cực này của chúng tôi. Một là thu nhập của người Việt Nam gia tăng, dẫn đến chi tiêu cho TMĐT tăng theo trong 5 năm tới. Hai là xu hướng mua sắm kết hợp giải trí kích thích tiêu dùng, và ba là sự chuyển dịch đáng kể của những ngành hàng giá trị cao từ kênh offline lên TMĐT”, ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI - giải thích thêm.

Theo khảo sát của YouNet Media với 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố trên cả nước, 62,8% người tiêu dùng số đang chốt đơn trên các sàn TMĐT ít nhất một lần mỗi tuần.

Khi đào sâu phân tích nhóm người tiêu dùng số này theo chiều thu nhập, nghiên cứu nhận thấy có tỷ lệ thuận rõ rệt giữa mức thu nhập với tần suất mua sắm trực tuyến và kích thước giỏ hàng. Đặc biệt, ở mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên, người tiêu dùng Việt Nam mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu.

Xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần có 53,4% thuộc Gen Z (những người sinh năm 1997 - 2012) và 46,6% là Millennials (những người sinh năm 1981 - 1996). Thu nhập khác nhau dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa hai thế hệ này về tần suất mua sắm, mức chi tiêu, danh mục sản phẩm yêu thích và cách ra quyết định khi mua sắm trực tuyến.

Những bước phát triển của TMĐT trong năm qua đã tạo ra các nhu cầu và kỳ vọng mới ở người tiêu dùng. Bằng cách xác định và đáp ứng những động lực này, các thương hiệu có thể đẩy mức độ chi tiêu và lòng trung thành của họ lên một mức mới” - bà Mai Cẩm Linh, Giám đốc Kinh doanh của YouNet Media, khẳng định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...