A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dùng chuộng thanh toán trả góp, thanh toán mã QR

Thanh toán trả góp ngày càng được ưa chuộng khi người dùng có thể chia nhỏ số tiền thanh toán thành nhiều kỳ, đặc biệt một số ngân hàng tự đổi chuyển đổi khoản trả góp 0% lãi suất.

Nền tảng thanh toán Payoo vừa công bố số liệu khảo sát về hành vi thanh toán của người tiêu dùng trong 3 tháng cuối năm 2021 nhìn từ giao dịch qua hệ thống này, qua đó cho thấy người dùng ưa chuộng thanh toán trả góp và thanh toán mã QR.

Theo Payoo, dịp cuối năm và sau giãn cách, nhiều chương trình khuyến mãi được triển khai nên tổng mức chi tiêu mua sắm được ghi nhận qua nền tảng thanh toán này tăng trưởng khá, trải đều ở các phương thức khác nhau. 

Trong đó, 2 phương thức thanh toán được người dùng ưa chuộng hơn là trả góp và thanh toán mã QR. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng của giao dịch trả góp đạt mức hơn 50%/tháng và mã QR tăng hơn 30%/tháng.

Người dùng chuộng thanh toán trả góp, thanh toán mã QR - Ảnh 1.

Thanh toán online, trong đó có thanh toán trả góp được ưa chuộng sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát

"Trả góp được ưa chuộng vì đây là phương thức thanh toán tiện lợi, chia nhỏ số tiền thanh toán thành nhiều kỳ khác nhau giúp người dùng linh hoạt quản lý tài chính cá nhân. Số lượng doanh nghiệp triển khai thanh toán trả góp cũng gia tăng đáng kể khiến hình thức này ngày càng phổ biến" – đại diện Payoo nói.

Trong khi đó, thanh toán qua quét mã QR cũng bùng nổ khi các ngân hàng, ví điện tử đẩy mạnh phát triển hệ thống Mobile Banking và người dùng hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng dịch bệnh. 

Hiện tại, Payoo đã liên kết với hầu hết ngân hàng và các ví điện tử phổ biến trên thị trường để chấp nhận hình thức thanh toán mã QR trên các nền tảng thanh toán trực tuyến và trực tiếp.

Thanh toán trả góp cũng gia tăng và được ưa chuộng trong bối cảnh một số ngân hàng áp dụng chính sách 0% miễn lãi trọn đời cho thẻ tín dụng, hoặc có dòng thẻ tín dụng tự động chuyển đổi trả góp tất cả khoản giao dịch của khách hàng.

Tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), số liệu cho thấy giá trị mua sắm trả góp bình quân tháng trong giai đoạn giãn cách (tháng 5 đến tháng 9-2021) tăng 15% so với trước đó. Giá trị này 3 tháng cuối năm 2021 tăng tới 67% so với giai đoạn giãn cách và tăng mạnh 92% so với trước dịch. Dòng thẻ VIB Zero Interest Rate của VIB cho phép khách hàng chỉ cần trả 20% tổng dư nợ thẻ (1/5 tổng giá trị giao dịch), là sẽ tự động hưởng 0% lãi suất cho toàn bộ số dư còn lại.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây cũng có dòng thẻ tín dụng OCB Installment cho phép trả góp tất cả giao dịch. Không quy định giá trị giao dịch tối thiểu, chủ thẻ tín dụng này sẽ được chuyển đổi tất cả giao dịch với giá trị bất kỳ sang khoản trả góp 0% lãi suất.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh internet tăng tương ứng 49,3% và 29,1% về số lượng và giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,6% và 85%. 

Đáng lưu ý, thanh toán qua kênh mã QR tăng mạnh tới 54,2% về số lượng và 120,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR.

Theo thống kê của Payoo, dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen mua hàng của nhiều người. Trước đây, người dùng thường mua hàng hóa online với giá trị nhỏ nhưng với thói quen mua hàng mới hình thành trong thời gian dịch bệnh, giá trị trung bình mỗi đơn hàng online tăng 20% so với trước.

Một số đối tác thuộc lĩnh vực nội thất, thẩm mỹ thậm chí có giá trị giao dịch tăng gấp 2 so với giữa năm 2021.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...