Kỳ vọng sức mua sẽ tăng vào cận Tết
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sự tiện lợi của việc mua sắm trực tuyến
Chuộng mua sắm online
Ngày 23-1 (tức 24 Tết), ghi nhận tình hình buôn bán các mặt hàng Tết như bánh kẹo, bia và mứt tại các siêu thị và đại cửa hàng khá ảm đạm. Nguyên nhân chủ yếu là do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sự tiện lợi của việc mua sắm trực tuyến.
Chị Xuân Hằng, chủ một cửa hàng tạp hóa ở TP Thủ Đức, cho biết sức mua bia và bánh kẹo tại cửa hàng của chị Tết này giảm 10%-20% so với năm trước. Tình trạng này một phần xuất phát từ kinh tế khó khăn, người dân về quê sớm và sự thiếu hụt shipper giao hàng qua các ứng dụng nhưng phần lớn là do xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến. Nếu như năm ngoái, bia tại cửa hàng chị bán không kịp nhập thì năm nay, lượng khách thưa thớt đến mức chị không dám nhập thêm. Dù đã tập trung vào các loại bánh kẹo phổ biến như sô-cô-la, bánh gạo hay kẹo dẻo, doanh số vẫn không cải thiện.
Câu chuyện của chị Xuân Hằng không phải là cá biệt. Chị Ngọc Anh, một nhân viên văn phòng tại quận 3, cho biết toàn bộ bia, nước ngọt, bánh kẹo Tết của gia đình chị đều được đặt mua trên sàn TMĐT từ giữa tháng chạp. Bởi, mua sắm online giờ rất tiện lợi như giao hàng miễn phí tận nhà, lại được giảm giá, tặng quà... nên chị không còn lặn lội đi siêu thị để mua từng món như trước. Chưa kể, các sản phẩm bánh kẹo trên sàn rất đa dạng về mẫu mã và giá cả, chỉ từ 15.000 - 50.000 đồng, giúp chị dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Tương tự, chị Thanh Huyền, sống tại quận Bình Thạnh, cũng cho biết việc đặt mua bia và bánh kẹo trên TMĐT không chỉ tiện lợi mà còn tiết kiệm thời gian và công sức. "Giá bia trên các sàn như Shopee hay Lazada tương đương với giá ngoài cửa hàng, trong khi còn được freeship và giảm giá thêm nếu mua với số lượng lớn" - chị nêu lợi ích.
Theo ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua sắm trên các sàn TMĐT, ngay cả với các sản phẩm truyền thống như bánh kẹo Tết. Sự tiện lợi, ưu đãi hấp dẫn và khả năng tiếp cận nhiều sản phẩm khác nhau đã mở ra cơ hội lớn cho các thương hiệu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo người mua cần cẩn trọng với hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là các sản phẩm bánh kẹo. Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ độ uy tín của gian hàng, tham khảo các đánh giá và bình luận từ người mua trước, đồng thời so sánh kỹ giá cả để tránh các tình huống "treo đầu dê bán thịt chó".
Hà Nội: Sức mua siêu thị tăng mạnh
Dù sức mua trên TMĐT tăng cao, thị trường truyền thống tại Hà Nội lại ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn ở các mặt hàng bánh kẹo. Tại đây, sức mua đã tăng đáng kể từ đầu tuần này, đặc biệt là với các sản phẩm như bánh kẹo và nước giải khát.
Chị Hải Hà, cư dân quận Hà Đông, chia sẻ chị vừa mua hơn 2 triệu đồng tiền bánh kẹo trong siêu thị để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Theo khảo sát, các mặt hàng thực phẩm này vẫn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt hàng bia và rượu dù đang được giảm giá mạnh vẫn không còn sức hút như mọi năm.
Bà Tống Thị Ngân, Giám đốc Công ty CP HAQ Hà Nội, cho biết sức mua bánh kẹo tại Hà Nội bắt đầu tăng từ giữa tháng chạp, sau 2 tuần đầu tháng khá trầm lắng. Doanh số bán hàng của công ty tăng 5%-10% so với ngày thường nhờ vào các chương trình khuyến mãi và giảm giá trực tiếp. Năm nay, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, công ty đã tập trung vào các sản phẩm bánh kẹo hữu cơ, ít đường, giảm ngọt và nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Dù vậy, bà Ngân kỳ vọng sức mua sẽ tiếp tục tăng cao hơn từ 26 Tết trở đi.
Cùng góc nhìn, bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc Thu mua khu vực phía Bắc của AEON Việt Nam, cũng nhận định rằng nhu cầu mua sắm Tết năm nay tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng thực phẩm khô và giỏ quà Tết ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, cao hơn từ 15%-20% so với năm ngoái. Các sản phẩm như lạp xưởng và giỏ quà cá nhân hóa, nơi khách hàng có thể tự chọn sản phẩm, được nhiều người ưa chuộng.
Hệ thống siêu thị WinMart cũng ghi nhận sức mua bánh kẹo Tết tăng gần 10% so với năm trước, nhờ nhu cầu biếu tặng và sử dụng tăng cao. Các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Richy, Danisa chiếm ưu thế với giá cả ổn định và thiết kế bao bì đẹp mắt. Siêu thị này dự báo sức mua sẽ còn tăng mạnh trong những ngày sát Tết, khi nhiều người dân có thói quen mua sắm vào phút chót.
Siêu thị bán hàng xuyên Tết
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP HCM thông báo sẽ kéo dài thời gian hoạt động, thậm chí là mở cửa 24/24 giờ để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân mua sắm. Cụ thể, từ ngày 24 đến 27-1 (từ 25 đến 28 Tết), các siêu thị MM Mega Market mở cửa 24/24 giờ. Các hệ thống siêu thị khác tăng giờ mở cửa bán hàng sớm hơn 1 giờ và đóng cửa trễ hơn 1 giờ (kéo dài thời gian phục vụ đến 23 giờ), chỉ đóng cửa từ 12 giờ trưa 28-1 (29 Tết) đến hết ngày 29-1 (mùng 1 Tết) hoặc ngày 30-1 (mùng 2 Tết).
Theo Sở Công Thương TP HCM, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối tại TP HCM đã chuẩn bị chu đáo nguồn hàng phục vụ thị trường trong 2 tháng trước, trong và sau Tết. Trong đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn hàng lớn hơn so với sản lượng đã đăng ký với thành phố, cam kết giữ giá ổn định các mặt hàng thiết yếu đến hết tháng giêng âm lịch.
Th.Nhân