Không để chặt chém, chèo kéo khách du lịch ở TP HCM dịp 30-4
Dịp lễ 30-4 sắp tới, ngành du lịch TP HCM sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tối đa cho khách du lịch.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Minh Lý, Chánh thanh tra Sở Du lịch TP HCM, chia sẻ với Báo Người Lao Động bên lề Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch năm 2022, do Sở Du lịch TP HCM tổ chức ngày 18-4.
Theo ông Nguyễn Minh Lý, Sở Du lịch TP HCM đã có quy chế phối hợp với Công an thành phố, lực lượng thanh niên xung phong, đội bảo vệ du khách; đồng thời có đường dây nóng để nhận phản ánh về tất cả thông tin liên quan. Thanh tra Sở Du lịch thành phố cũng luôn sẵn sàng và tiếp nhận thông tin, phối hợp với công an quận huyện, đội bảo vệ du khách và các cơ quan liên quan để bảo vệ du khách.
"Tình hình dịp lễ 30-4 sắp tới, khi ngành du lịch mở cửa trở lại theo tinh thần của Chính phủ, chúng tôi đã triển khai và họp với các đơn vị liên quan và cả 21 quận, huyện, TP Thủ Đức với mục tiêu bảo đảm an toàn tối đa cho du khách" – ông Lý nói.
Ngành du lịch TP HCM đang nỗ lực tạo thêm nhiều sản phẩm mới để đón khách. Trong ảnh: Du khách bay khảo sát tour trực thăng ngắm TP HCM từ trên cao
Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch năm 2022, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, cho biết ngay khi ngành du lịch chính thức mở cửa từ sau 15-3, hoạt động du lịch đã trở lại bình thường. Do đó, công tác quản lý pháp luật trong hoạt động du lịch, nhất là các hành vi ảnh hưởng hình ảnh du lịch, chất lượng phục vụ sẽ được tăng cường kiểm tra, xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi, an toàn cao nhất cho du khách, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Cao Thái, thời gian qua một số cơ sở du lịch, đặc biệt khu du lịch, cơ sở lưu trú có hành vi tranh giành, ép khách, phân biệt đối xử với khách. Một số vùng chỉ đón tiếp những nhóm khách nhất định… Quy định trong luật đối với du lịch hành vi trên là không được phép, nhưng mức xử phạt không lớn, chủ yếu phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại khi công nghệ phát triển, bất cứ hành vi nào phản cảm, trái pháp luật, ngay sau khi vụ việc diễn ra sẽ xuất hiện trên mạng xã hội, sẽ kéo theo dư luận xã hội quan tâm rất lớn. Do đó, các hành vi này không chỉ tác động, gây thiệt hại đến chính doanh nghiệp du lịch mà có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của cả một vùng, quốc gia. Vì vậy, nếu có bất kỳ hành vi nào xảy ra đều phải bị xử lý ngay và xử lý nhanh để đảm bảo hình ảnh, chất lượng trong hoạt động du lịch.
Ngoài ra, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cần lưu ý việc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp ở những hoạt động du lịch có yếu tố trải nghiệm, mạo hiểm khi hoạt động trở lại…
Sở Du lịch TP HCM cho biết từ ngày 15-3 đến nay, toàn ngành tiếp tục triển khai các hoạt động mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo mới nhất UBND TP HCM. Theo đó, cần thiết triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức pháp luật cho nguồn nhân lực, đặc biệt là cập nhật những quy định mới sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch… cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn.