A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí xanh 120 nghìn đồng/quả, bữa cơm rau đắt hơn thịt là có thật

Các tiểu thương cho biết, khi nguồn cung rau xanh tại các chợ đầu mối khan hiếm, giá rau lên từng ngày.

"Một bữa cơm rau đắt hơn thịt"

Mua một quả bí xanh gần 3kg tại chợ Cầu Giấy vào chiều tối 12.9, anh Nguyễn Mạnh (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) giật mình khi có giá 120.000 đồng. Anh nhẩm tính, mỗi cân bí xanh có giá 45.000 đồng, đắt hơn 15.000 đồng/kg so với thời điểm trước lũ.

Thắc mắc tại sao giá bí lên cao như vậy, anh Mạnh được tiểu thương cho hay, do mưa lũ, nhiều vựa hàng ngập úng nặng, rau xanh hư hỏng, giá nhập vào rất cao, giá bán ra phải tăng lên mới có lãi.

Người bán rau còn cho biết, nếu không mua nhanh sẽ hết hàng hoặc chỗ khác còn "hét giá" cao hơn.

"Một bữa cơm rau đắt hơn thịt là có thật", anh Mạnh ví von khi ra chợ trong những ngày Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Giá rau xanh tăng gấp 2-3 lần. Ảnh: Anh Tuấn

Giá rau xanh tăng gấp 2-3 lần. Ảnh: Anh Tuấn

Tiểu thương phải đi cả đêm để lấy hàng, thay vì chỉ gọi điện thoại như trước đây. Ảnh: Anh Tuấn

Tiểu thương phải đi cả đêm để lấy hàng, thay vì chỉ gọi điện thoại như trước đây. Ảnh: Anh Tuấn

Theo khảo sát của Lao Động, hiện cà chua có giá 40.000 đồng/kg; rau muống từ mức 10.000 đồng lên mức 20.000-22.000 đồng/bó; mùng tơi tăng lên 17.000 đồng/mớ trong khi ngày thường chỉ 5.000 - 6.000 đồng; rau ngót tăng từ 13.000 đồng lên 20.000 đồng/mớ; cải ngọt và cải chíp giá 35.000-45.000 đồng/kg, tăng gấp đôi…

Các loại rau thơm cũng đồng loạt tăng: Hành lá có giá 80.000 đồng, thì là 100.000 đồng/kg; rau xà lách 60.000 đồng/kg…, mức tăng từ 30 - 50%.

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Rau xanh khan hiếm, chủ yếu là các loại củ quả. Những mặt hàng này cũng đang tăng giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Như bí xanh tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/kg; dưa chuột tăng 15.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; củ cải trắng có giá 35.000 đồng/kg; bắp cải giá 35.000 đồng/kg; khoai tây 40.000 đồng/kg…

"Tôi phải trực ở chợ đầu mối Minh Khai từ 1h sáng để lấy hàng, các tiểu thương cũng giành giật nhau mới có rau để bán”, chị Hà - một tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết.

Quầy kệ đồ khô trống trơn. Ảnh: Anh Tuấn

Kệ rau xanh tại một số siêu thị nhỏ ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội trống trơn. Ảnh: Anh Tuấn

Không chỉ ở chợ, tại các siêu thị, lượng người mua rau và thịt cá cũng tăng mạnh. Nhiều kệ hàng trống trơn từ sớm. Giá cả ở siêu thị ổn định, tuy nhiên, ngoài một số mặt hàng được giảm giá thì mặt bằng chung giá đã cao hơn chợ.

Trong đó, rau muống có giá 13.500 đồng/300 gram; rau ngót, cải ngọt khoảng 15.500 đồng/300 gram; cà chua 25.000 đồng/300 gram… Ngoài ra, các mặt hàng khô, nước uống, sữa cũng được nhiều người lựa chọn, giá cả ổn định.

Gấp rút vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc

Trước bối cảnh giá một số mặt hàng có xu hướng tăng lên do khan hàng cục bộ, đặc biệt là mặt hàng rau xanh cao gấp 2 - 3 lần, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đã yêu cầu các doanh nghiệp linh động vận chuyển hàng từ Nam ra Bắc.

Hiện hệ thống MM Mega Market tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc (dự kiến lên đến 7 chuyến xe/tuần với tổng cộng hơn 40 tấn rau củ quả).

Hệ thống siêu thị này có 5 trạm thu mua - cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B (depot). Nhờ đó, trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến một tháng cho miền Bắc.

Còn hệ thống siêu thị Co.op Mart đã đặt mua 200 tấn rau các loại từ các hộ dân, hợp tác xã để vận chuyển ra Bắc trong thời gian tới để đảm bảo giá cả ổn định cho hệ thống gồm 11 siêu thị Co.op Mart và 28 cửa hàng Co.op Food của Saigon Co.op.

Hệ thống các siêu thị của Winmart mỗi ngày cũng huy động khoảng 100 tấn rau củ quả từ miền Nam ra Bắc, gồm các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, bầu bí, mướp đắng.

Nhận định chung về thị trường hàng hóa phía Bắc, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, dù còn một số nơi bị cô lập, bị chia cắt do lũ như Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái..., tuy nhiên hàng thiết yếu vẫn đảm bảo.

Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Sở Công thương tại 35 tỉnh thành chuẩn bị, có phương án điều phối vận chuyển, cung ứng hàng hóa trong bối cảnh mưa lũ ở phía Bắc diễn biến phức tạp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...