Kỳ vọng từ hợp tác kinh tế Việt - Nhật (*): Cải thiện chuỗi cung ứng
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy kéo dài song song với chuyển đổi số, đổi mới công nghệ là những nội dung hợp tác mới, được cả Nhật Bản và Việt Nam coi trọn
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức "Hội thảo hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng". Trước đó, 2 bên đã khởi động 3 sáng kiến về hợp tác đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản hồi tháng 11-2021.
Tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam
Đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết bộ đang đầu tư xây dựng 2 trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam. Khi đi vào hoạt động, các trung tâm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và chế biến, chế tạo về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Từ đó, tạo cơ hội cho DN tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Các trung tâm này đang trong quá trình kiện toàn bộ máy và đã triển khai một số hoạt động, trong đó đã hợp tác với một số DN lớn của Nhật Bản như Toyota, Canon, Mitsubishi để tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn này.
Sản xuất tại nhà máy Công ty Cơ khí chính xác CNS Amura ở Khu Công nghệ cao TP HCM - một trong những công ty tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật .Ảnh: THANH NHÂN
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, các DN, tổ chức của Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất cho DN Việt Nam để trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các DN Nhật Bản, nhất là trong ngành chế tạo ôtô, xe máy, điện tử.
Đặc biệt, các tổ chức, DN Nhật Bản còn cử chuyên gia đào tạo cho DN Việt Nam về 5S (5 tiêu chuẩn trong quy trình sản xuất, có xuất xứ từ Nhật Bản gồm: Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng), kaizen - một triết lý sản xuất nhằm cải thiện môi trường làm việc cũng như cuộc sống…
Đồng thời, tổ chức cho DN Việt Nam tham quan, học tập các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của DN Nhật Bản... "Những nội dung này được các DN Việt Nam đánh giá cao nhờ tính ứng dụng, thực tế và hiệu quả, giúp DN cắt giảm chi phí sản xuất, sử dụng trang thiết bị hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng các nội dung hợp tác mới chỉ dừng lại ở quy mô DN, dựa trên nỗ lực của từng DN đơn lẻ, chưa có sự tham gia, vào cuộc mạnh mẽ ở cấp Chính phủ. Thứ trưởng đề xuất Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, JETRO cùng các tổ chức, DN Nhật Bản triển khai các chương trình, dự án cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các DN hai nước, góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và năng lực cạnh tranh công nghiệp, giúp DN Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cần hỗ trợ mạnh mẽ
Từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ TP HCM nâng cao năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM, cho hay hầu hết DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng đều từ sự giúp sức ban đầu của đối tác Nhật. Trong khi DN Việt Nam mong được chuyển giao công nghệ nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu, linh kiện điện tử… thì bản thân các DN Nhật cũng có nhu cầu đưa DN Việt vào chuỗi cung ứng của họ.
"Để đi đến hợp tác mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, cần nhiều thời gian chia sẻ, hỗ trợ DN tinh chỉnh các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, cải tiến công nghệ… đáp ứng yêu cầu của đối tác. Từ đó cũng giúp DN Việt nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Dựa trên nền tảng được hỗ trợ đó, DN Việt từng bước đi sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, tham gia cung cấp hàng hóa, linh kiện cho các DN, tập đoàn sản xuất châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…" - bà Oanh cho biết.
Cũng theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, DN Nhật luôn có khuynh hướng hợp tác chuyển giao tri thức để nâng cao năng lực cho nhà cung cấp. "Người Nhật liên tục cải tiến để tối ưu hóa sản xuất nhằm tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, hiện đại hơn và chia sẻ thế mạnh này với các nhà cung cấp. Gần đây, các DN điện tử Nhật ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm một cách mạnh mẽ và liên tục chuyển giao công nghệ mới cho nhà cung ứng. Đó cũng là động lực thúc đẩy DN Việt đầu tư cho số hóa" - bà Oanh đúc kết.
Công ty Cơ khí Duy Khanh là một trong những DN được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn hỗ trợ và cũng là DN có bề dày làm ăn với đối tác Nhật. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV công ty, cho hay DN đã bán hàng cho khách Nhật khoảng 20 năm nay, hiện khách hàng Nhật đang đóng góp 40% doanh số công ty.
"Một trong những khách hàng lớn, lâu năm nhất của chúng tôi là Toshiba. Sau nhiều năm, chúng tôi đã tăng sản lượng xuất khẩu cho Toshiba lên hơn 200% và đang tiếp tục tăng. Với khách hàng Nhật, DN có tinh thần học hỏi, đáp ứng các yêu cầu của họ thì sẽ hợp tác bền vững" - ông Tống tiết lộ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhìn nhận những thông tin tích cực về hợp tác đa dạng hóa chuỗi cung ứng được đề cập trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có thể mang đến nhiều cơ hội cho DN Việt Nam.
"Trước đây, Nhật Bản có các đối tác cung ứng ổn định, chúng ta rất khó chen chân vào chuỗi. Nhưng nay, do tác động của dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu"- ông Thịnh nhận định.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, một nền kinh tế lớn như Nhật Bản với nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, nếu họ hỗ trợ tích cực thì các DN Việt sẽ có cơ hội để cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển và tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, từ cam kết của Chính phủ hai nước, các bộ, ngành cần hiện thực hóa bằng chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho DN nội địa.
"Khi tham gia sân chơi lớn, các tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra rất cao, DN trong nước phải tự nâng cao năng lực, tận dụng sự hỗ trợ của phía Nhật Bản để khắc phục điểm yếu, phát huy thế mạnh. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng cần tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN nội, đẩy mạnh phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…" - chuyên gia này góp ý.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-5
Đối tác công nghệ tin cậy với Nhật Bản
Dù các sáng kiến hợp tác mới được khởi động song Việt Nam đã có DN công nghệ sớm thâm nhập thị trường Nhật Bản và tạo được những dấu ấn nhất định. Cụ thể, Tập đoàn FPT đã thành lập FPT Nhật Bản từ tháng 11-2005 với trụ sở chính đặt tại Tokyo.
Đến nay, FPT Nhật Bản là công ty công nghệ thông tin nước ngoài lớn nhất tại thị trường này xét theo quy mô nhân lực. FPT Nhật Bản cũng được đánh giá là đối tác chiến lược triển khai chuyển đổi số, giúp quản trị hiệu quả và đóng góp vào sự tăng trưởng cho các tập đoàn lớn của Nhật trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, ngân hàng, tài chính, nông nghiệp, thương mại...
"Doanh thu từ thị trường Nhật tăng trưởng ổn định, bền vững trong nhiều năm và đóng góp trên 50% tổng doanh thu của tập đoàn. Năm 2021, dù tác động tiêu cực của dịch bệnh, doanh thu của FPT tại Nhật vẫn tăng trưởng 11% so với năm 2020. FPT Nhật Bản cũng mở đường cho các DN khác của Việt Nam gia nhập thị trường Nhật, góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu ngành công nghệ thông tin Việt Nam" - đại diện Tập đoàn FPT thông tin.
Ông Hồ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tài chính Tín Việt (VietCredit), cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật mới đây, VietCredit đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Hitachi để phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác để VietCredit phát triển dịch vụ đăng ký khoản vay trực tuyến và phát hành thẻ tín dụng trực tuyến qua video call.
"Nếu thành công, chúng tôi sẽ là tổ chức tài chính đầu tiên triển khai dịch vụ này, góp phần cung cấp sản phẩm tài chính cho cả những đối tượng khách hàng là người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận dịch vụ tài chính, gặp khó khăn trong việc đăng ký khoản vay online hoặc định danh trực tuyến (eKYC). Phía đối tác của Nhật cũng chia sẻ mục tiêu không chỉ là hợp tác kinh doanh mà hỗ trợ DN Việt thúc đẩy tài chính toàn diện cho người dân" - ông Tâm nói.
Theo ông Hồ Minh Tâm, trong bối cảnh Việt Nam tiến hành chuyển đổi số, DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh thì Nhật Bản cũng là một sự lựa chọn tin cậy. Bởi Nhật Bản đã đi rất xa và có nhiều kinh nghiệm liên quan đến số hóa và chuyển đổi số. Thực tế khoảng 2 năm nay, VietCredit đã hợp tác với đối tác Nhật Bản để triển khai chấm điểm tín dụng cho khách hàng trước khi quyết định phê duyệt khoản vay và có những kết quả tích cực.