50 năm xây nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc
Ngày 23-7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: "50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
Nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh 50 năm qua, sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đất nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cho đến nay văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa là: "Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả"; đồng thời yêu cầu phải "phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới". Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc "sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người"; "phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa".
Hội thảo là một bước thảo luận nhằm nhận thức, đánh giá đúng và đầy đủ hơn những thành tựu và những vấn đề đặt ra 50 năm qua trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: TP Hà Nội luôn chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố.
Đánh giá về văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm đổi mới, phát triển cùng đất nước, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - cho rằng thực trạng của văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1975 đến nay, đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá. Để có thể thúc đẩy đời sống văn học phát triển mạnh mẽ hơn, có nhiều thành tựu nghệ thuật hơn, ông cho rằng cần nâng cao hơn nữa nhận thức, năng lực, tư duy, trình độ của bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là những cơ quan, những người trực tiếp quản lý, điều hành công tác văn hóa, văn nghệ. Nếu khâu này yếu kém sẽ kéo theo sự yếu kém của cả hệ thống văn hóa, văn nghệ.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Tôn trọng các xu hướng tìm tòi sáng tạo, dám thể hiện, dám đột phá, uốn nắn các xu hướng đi ngược lại sáng tạo nghệ thuật đích thực. Tạo điều kiện cơ sở vật chất và tinh thần để các nhà văn, nghệ sĩ có điều kiện hội nhập văn học, nghệ thuật khu vực và thế giới.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - khẳng định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển văn hóa nói riêng, đất nước nói chung.
Gần đây, những gì Black Pink đem lại cho Hà Nội qua 2 đêm diễn với khoảng hơn 300 tỉ đồng và Taylor Swift đem lại cho Singapore qua 6 đêm diễn với hơn 375 triệu đô-la (8.925 tỉ đồng) cho thấy những tiềm năng kinh tế của công nghiệp văn hóa (CNVH) nhưng những lợi ích khác đến từ chính trị, xã hội, văn hóa... còn lớn hơn thế nhiều.
Dù CNVH không phải là một vấn đề mới trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, quan điểm và chiến lược phát triển các ngành CNVH cũng đã được triển khai khoảng 10 năm nay nhưng thực trạng phát triển các ngành CNVH hiện nay vẫn làm những người trong cuộc hết sức sốt ruột, lo lắng.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, phát triển các ngành CNVH chính là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, CNVH có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo.