A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý dứt điểm ô nhiễm trên lưu vực sông

Kiểm soát chặt nước thải công nghiệp từ các KCN, cơ sở sản xuất có lưu lượng thải lớn

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, giai đoạn 2011-2020, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai 3 đề án lưu vực sông (LVS) Cầu, Nhuệ - Đáy và sông Sài Gòn- Đồng Nai. Kết quả quan trắc cho thấy đa phần các LVS Hồng - Thái Bình, Mã - Chu, Cả - La, Vu Gia - Thu Bồn và Mê Kông duy trì ở mức tốt đến rất tốt. Dù vậy, ô nhiễm cục bộ vẫn diễn ra tại các điểm nóng.

Ô nhiễm do hợp chất hữu cơ

Ô nhiễm cục bộ vẫn đang tiếp diễn trên các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung dân cư, làng nghề, hoạt động sản xuất công nghiệp. Tổng cục Môi trường cho biết năm 2021, công tác bảo vệ môi trường nước tại các LVS, đặc biệt là các LVS lớn vẫn là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm và có nhiều chất vấn.

TS Dương Thanh An - Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường - cho rằng tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm tại những điểm nóng về môi trường nước trên LVS chưa có dấu hiệu được cải thiện rõ rệt, điển hình như ô nhiễm trên các sông nội thành Hà Nội (Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét...) thuộc LVS Nhuệ; Ngũ Huyện Khuê, cầu Bóng Tối thuộc LVS Cầu và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật...) thuộc LVS Đồng Nai.

Tổng cục Môi trường cũng cho biết trên LVS Cầu, ô nhiễm xảy ra tại đoạn sông chảy qua làng nghề giấy Phong Khê (điểm cầu Đào Xá), sông Ngũ Huyện Khuê đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang hay khu vực suối Loàng, cầu Bóng Tối đoạn qua TP Thái Nguyên. Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn, khi vào nội ô TP HCM là cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật)... cũng được xác định bị ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ. Phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật.

Xử lý dứt điểm ô nhiễm trên lưu vực sông - Ảnh 1.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Tô Lịch vẫn chưa được cải thiện rõ rệt

Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật

Về kế hoạch xử lý dứt điểm một số điểm nóng, khu vực ô nhiễm môi trường trong năm 2022 và trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Thức cho biết Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm các dự án vận hành, hoạt động an toàn môi trường. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch triển khai, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các LVS trong năm 2022 và thời gian tới. Cụ thể, tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất dự án triển khai khắc phục ô nhiễm sông Cầu tại mỗi địa phương, trong đó tập trung vào kiểm soát các cơ sở xả thải lớn, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ tiêu chưa hoàn thành theo đề án, đặc biệt là tỉ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó chú trọng việc thu gom, xử lý triệt để lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp, phương án để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước làng nghề, các cơ sở sản xuất có nguồn thải ra sông; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nước thải công nghiệp từ các KCN, các cơ sở sản xuất có lưu lượng thải lớn... Theo GS-TS Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhà nước, chính quyền các cấp cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt tập trung.

Ông Dương Thanh An cho rằng trước mắt cần hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại khu dân cư và các KCN, nông nghiệp. Để làm được điều này, cần có sự kết hợp của 3 bên: Nhà nước - đầu tư, doanh nghiệp - thi công và người dân - trực tiếp sử dụng. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại các KCN để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Các nhà máy, xí nghiệp cần xây bể xử lý nguồn nước thải thay vì xả trực tiếp ra môi trường cũng là biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước hiệu quả. 

Xử nghiêm các trường hợp xả thải trực tiếp

Cuối tháng 3 vừa qua, trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề nước thải gây ô nhiễm các lưu vực sông Nhuệ - Đáy của đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông. Theo ông Trần Hồng Hà, về lâu dài, cần tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch; tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông. Tăng cường hướng hợp tác công - tư, xã hội hóa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước thải.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...