A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xoay xở thưởng Tết

Dự kiến mức thưởng Tết dành cho người lao động tại nhiều doanh nghiệp là 1 tháng lương cơ bản

Còn chưa đến 2 tháng nữa là tới Tết Quý Mão 2023. Trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, cắt giảm lao động, cùng với mong muốn giữ được việc làm, người lao động (NLĐ) còn trông chờ vào khoản thưởng Tết.

Khó khởi sắc

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn nhận: "Năm nay, rất nhiều DN trong các ngành da giày, may mặc, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn. Thậm chí, nhiều DN phải giảm giờ làm, cho công nhân (CN) nghỉ luân phiên nên thưởng Tết sẽ khó khởi sắc. Tết dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau nên có thể DN sẽ dồn tiền thưởng (nếu có) vào dịp Tết Nguyên đán. Mức thưởng Tết có thể tương đương 1 tháng lương cơ bản (LCB)".

Xoay xở thưởng Tết - Ảnh 1.

Dù sẽ mất việc làm từ đầu tháng 12-2022 nhưng gần 1.200 công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (TP HCM) vẫn được thưởng Tết Ảnh: HUỲNH NHƯ

Ông Mai Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam - cho biết năm nay, tình hình kinh tế còn khó khăn, vì thế việc duy trì đơn hàng, bảo đảm sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu. Dù vậy, đến thời điểm này, nhiều công ty đã xoay xở, lên phương án thưởng Tết cho NLĐ.

"Nhiều khả năng DN vẫn chỉ thưởng 1 tháng tiền lương. DN nào làm ăn hiệu quả thì thưởng nhiều hơn một chút. Theo tôi, mức thưởng phổ biến khoảng 5-7 triệu đồng/người" - ông Dương dự báo.

Tại "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, tình hình thưởng Tết năm nay chắc chắn không như những năm trước, do nhiều DN rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, nhiều nơi chỉ cho CN làm việc cầm chừng. Theo ghi nhận của phóng viên, một số DN trên địa bàn Bình Dương dù chưa báo cáo mức thưởng Tết với ngành chức năng song đã có kế hoạch chăm lo cho NLĐ ít nhất là 1 tháng LCB.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TP Thuận An) mới đây thông báo sẽ thưởng Tết bằng 1 tháng LCB cho toàn bộ 8.000 lao động. Những người mới vào làm dưới 1 năm thì thưởng theo thời gian làm việc. "Ngoài thưởng Tết, Công đoàn công ty còn tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ như: chương trình văn nghệ, bốc thăm trúng thưởng; thăm hỏi và tặng quà các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn" - ông Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Thông Dụng, cho biết.

Thưởng Tết khá hơn là Công ty CP và Phát triển Thiên Nam (TP Dĩ An). Ban giám đốc công ty dự kiến mức thưởng Tết cho NLĐ là 2 tháng LCB.

Tại TP HCM, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố, cho biết trong 3 tháng cuối năm 2022, do ảnh hưởng tình trạng lạm phát ở nhiều nước khiến giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm, một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều DN trong nước không có đơn hàng mới hoặc giảm đơn hàng - nhất là ngành chế biến gỗ, da giày, dệt may... Các nguyên nhân này dẫn tới nhiều DN phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho CN nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm 2023, tạm hoãn hợp đồng lao động, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động.

"Đến nay, trên địa bàn TP HCM đã có 155 DN với 50.157 NLĐ bị ảnh hưởng, thu nhập của NLĐ bị giảm sâu. Nhiều DN khó khăn nên dự báo năm nay sẽ có DN không thưởng Tết và lương tháng 13" - ông Tâm băn khoăn.

Tri ân người lao động

Những ngày gần đây, hơn 300 NLĐ của Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) rất phấn khởi khi trước dịp nghỉ Tết dương lịch sẽ được tạm ứng 2 tháng tiền thưởng Tết âm lịch.

Ông Nguyễn Minh Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP In số 7, cho hay năm 2022, công ty gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm, việc xuất khẩu, nhập nguyên liệu không thuận lợi, dịch COVID-19 vẫn còn... Tuy nhiên, tập thể NLĐ công ty đã đồng cam cộng khổ, nỗ lực làm việc giúp DN hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Để tri ân NLĐ, ngoài lương tháng 13 (tương đương 3 tháng lương thực lĩnh), công ty còn thưởng Tết âm lịch 7 triệu đồng/người; Tết dương lịch 2 triệu đồng/người; thưởng A, B, C bình quân 3 triệu đồng/người, lì xì đầu năm 1 triệu đồng/người.

Theo chị Võ Thị Nghĩa, CN Xưởng In - Công ty CP In số 7, việc công ty sớm công bố chính sách thưởng Tết khiến tất cả NLĐ đều phấn khởi. Sau một năm đối diện nhiều khó khăn, họ vẫn được tri ân xứng đáng.

Tại Công ty CP Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM) ngay từ giữa tháng 11-2022, ban giám đốc đã công bố chính sách chăm lo Tết cho CN. Theo đó, công ty sẽ thưởng 2 tháng lương cho NLĐ, bình quân 16 triệu đồng/người. Ngoài việc chi gần 4 tỉ đồng thanh toán tiền phép năm và thưởng thâm niên cho NLĐ, công ty còn tiếp tục thuê xe đưa, đón CN về quê ăn Tết. Ban giám đốc và Công đoàn cơ sở sẽ tổ chức tiệc tất niên cho CN không về quê ăn Tết vào ngày 27 tháng chạp.

"Công ty cũng dành gần 100 triệu đồng mừng tuổi đến tất cả NLĐ trở lại làm việc ngày đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Tổng kinh phí chăm lo Tết cho NLĐ năm nay khoảng 40 tỉ đồng" - bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở TP Hà Nội, các DN dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh nhưng vẫn cố gắng chăm lo Tết cho NLĐ. Tại Công ty TNHH Tousei Engineering Việt Nam (huyện Sóc Sơn), ông Trần Sỹ Đức, giám đốc công ty, cho biết: "Qua đề xuất của Công đoàn, ban giám đốc cố gắng thưởng Tết cho NLĐ với mức cao nhất là 4 tháng lương, thấp nhất là 2,5 tháng lương. Cùng với đó, Công đoàn công ty sẽ lên kế hoạch tổ chức thăm hỏi đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau với suất quà trị giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/người".

"Bản chất thưởng Tết là dựa trên hiệu quả hoạt động của DN. Nếu DN hoạt động tốt và có lợi nhuận sẽ duy trì thưởng Tết bởi đây cũng là hình thức để động viên NLĐ gắn bó với DN. DN nào gặp khó mà vẫn thưởng Tết cho NLĐ mới là điều đáng quý, đáng trân trọng".

Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...