A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xe buýt trường học, bao giờ?

Trong quy chuẩn Việt Nam chưa có thuật ngữ xe buýt trường học, xe buýt chở học sinh. Vì thế, loại phương tiện này không được xếp vào nhóm xe chuyên dụng với các quy định, yêu cầu riêng về thiết kế, chế tạo...

Thêm một trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón và bị cướp đi mạng sống. Lỗi được quy cho khá nhiều thành phần, từ tài xế, giáo viên cho đến nhà trường… Tuy nhiên, nhiều người quên mất vấn đề lớn nhất: Làm thế nào để trong bất kỳ trường hợp nào, đối với học sinh, nhất là trẻ tiểu học trở xuống - vốn chưa có ý thức tự bảo vệ mình, thì cũng không bao giờ có thể xảy ra việc bị bỏ quên trên xe mà không ai biết?

Quy định rất nhiều nhưng thiếu và yếu

Thực tế, chúng ta đã có hàng loạt quy trình siết chặt quản lý trong kiểm soát, bàn giao học sinh; quy định trách nhiệm của người phụ trách ở từng khâu đón, trả và quản lý trẻ tại trường nhưng sai sót chết người vẫn xảy ra. Bởi lẽ, con người thì có thể vẫn có sai sót; các quy trình, quy định là để biết và làm theo nhưng sẽ có lúc, vì lý do bất cẩn, bất khả kháng nào đó, con người sẽ có sai lầm. Rõ ràng quy định rất nhiều nhưng lại yếu và thiếu cái cơ bản.

Vì thế, nên xem lại chiếc xe, hay nói đúng hơn là hệ thống đã quản lý về việc thiết kế, xây dựng quy chuẩn cho xe chở học sinh. Đến nay, trong quy chuẩn Việt Nam vẫn chưa có thuật ngữ xe buýt trường học, xe buýt chở học sinh. Loại xe này cũng không được xếp vào nhóm xe chuyên dụng với các quy định, yêu cầu riêng về thiết kế, chế tạo. Vì vậy mà các trường học, cơ quan quản lý đều rất lúng túng trong việc quy định loại xe buýt chở học sinh.

Chúng ta thường sử dụng xe chở học sinh bằng loại phương tiện lưỡng dụng trên cơ sở minibus thông thường, vừa chở khách vừa được dùng để chở học sinh, trong khi 2 loại xe này có yêu cầu thiết kế, chế tạo và sử dụng khác nhau. Ngay cả trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lần 4 cuối năm 2023 cũng chưa có thuật ngữ xe buýt trường học hay xe buýt chở học sinh.

Xe buýt trường học, bao giờ?- Ảnh 1.

Xe đưa đón học sinh lưu thông trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Xe buýt chở học sinh ở nước ngoài thế nào?

Không phải ngẫu nhiên mà đa số các nước phát triển dùng chữ School Bus (xe buýt trường học) và xếp vào nhóm xe chuyên dụng (có yêu cầu thiết kế, chế tạo, sử dụng chuyên biệt). Các nước Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều có hệ thống xe buýt trường học chuyên dụng với thiết kế an toàn đặc biệt để bảo đảm an toàn cho học sinh khi di chuyển đến và rời trường học. Hình dáng, màu sắc loại xe này khác biệt, dễ phân biệt trong dòng giao thông.

Ví dụ, Mỹ là một đất nước rất phát triển về ô tô nhưng xe buýt trường học lại nhìn khá lạc hậu, như một chiếc xe tải lắp thêm thùng xe khách phía sau. Song, tìm hiểu kỹ sẽ thấy Mỹ cũng như các nước phát triển không đặt trọng tâm vào việc thiết kế một chiếc xe buýt trường học hiện đại, đẹp... Họ đặt trọng tâm vào việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh, lỗi nào đến từ con người hoặc quản lý.

Theo đó, Mỹ dùng xe buýt nền xe tải chở học sinh bởi các lý do sau: Trước hết là tầm nhìn và khả năng quan sát. Thiết kế với đầu xe nhô ra, giúp tài xế có tầm nhìn tốt hơn về phía trước và các bên. Điều này rất quan trọng trong các khu vực có nhiều trẻ em lên xuống xe, giảm nguy cơ tai nạn. Xe được trang bị gương chiếu hậu lớn và có thể lắp các hệ thống gương phụ dễ hơn để tăng khả năng quan sát của tài xế.

Khung vỏ xe tải chắc chắn, bảo vệ học sinh tốt hơn khi xảy ra va chạm. Khoang động cơ và đầu xe kéo dài, giúp giảm thiểu tác động trực tiếp đến khoang hành khách trong trường hợp va chạm từ phía trước. Xe buýt làm từ xe tải chịu tải nặng và sử dụng lâu dài, phù hợp với cả địa hình không bằng phẳng hoặc trong điều kiện thời tiết xấu, bị va chạm.

Hơn nữa, khả năng tiếp cận và lên xuống xe cho phép làm cửa rộng, giúp học sinh dễ dàng lên xuống, đặc biệt là những em nhỏ tuổi. Hình dạng đặc biệt như xe tải khác với các xe buýt khác và màu vàng cam giúp các loại xe khác nhận biết từ xa đó là xe buýt trường học để cẩn thận nhường đường.

Ngoài ra, xe buýt trường học của Mỹ còn được thiết kế với nhiều trang thiết bị an toàn. Chẳng hạn, các xe buýt học sinh đều có cánh tay cảnh báo mở ra khi xe dừng để nhắc nhở các phương tiện khác dừng lại, bảo đảm an toàn cho trẻ khi qua đường.

Xe buýt trường học của họ không được trang bị hiện đại như kính liền, điều hòa, cửa điện… mà dùng cửa sổ trượt, chớp lật và cửa cơ nén khí (dễ dàng mở từ bên trong khi đã khóa). Cửa sổ phải dễ mở, dễ đập. Nhiều nút bấm báo động, liên lạc khẩn cấp từ trong xe đến nhà trường và cảnh sát. Trong xe còn có camera giám sát.

Đặc biệt, các xe buýt trường học đều có nút "Sleeping child check" (kiểm tra học sinh đang ngủ) nằm ở cuối xe. Tài xế sau khi chở học sinh đến nơi phải đi xuống cuối xe để kiểm tra và bấm nút này. Hệ thống "Sleeping child check" sẽ tự động phát hiện học sinh còn sót lại nhờ vào các thiết bị được gắn ở cả trong và ngoài xe; nếu không bấm thì còi báo động sẽ tự kích hoạt. Kết quả kiểm tra ngay lập tức sẽ được hệ thống báo tới điện thoại của tài xế, phụ huynh và quản trị viên tại trường.

Tất cả thiết bị nêu trên được quy định trong luật là bắt buộc đối với xe buýt trường học. Cơ quan đăng kiểm phải kiểm tra trước khi xe cho lưu hành. 

Sớm thiết kế, thí điểm

Cần nhanh chóng thiết kế, đưa vào sử dụng loại xe buýt trường học phù hợp với đường sá và giao thông hỗn hợp của Việt Nam, như dùng xe cỡ trung bình và nhỏ (30 - 40 chỗ trở xuống). Điều quan trọng là thân xe phải kết cấu cứng, vững; có thêm các trang thiết bị an toàn như đã nêu trong bài.

Để sớm làm được việc này thì có lẽ không chờ được những cơ quan như Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học - Công nghệ... nghiên cứu xây dựng quy chuẩn. Nên khuyến khích các công ty sản xuất ô tô thiết kế, chế tạo những mẫu xe buýt trường học để đưa vào hoạt động thí điểm. Các công ty này có trung tâm R&D nên sẽ làm nhanh và thực tế. Trên cơ sở kết quả thí điểm, các cơ quan quản lý nhà nước theo đó xây dựng các quy chuẩn thì tốt hơn.

Để không còn những sự cố đau lòng

Xe đưa đón học sinh hiện rất phổ biến ở các trường mầm non, tiểu học và tương lai sẽ càng được sử dụng rộng rãi hơn. Vậy nên, một phương án nhằm có thể vĩnh viễn loại bỏ sự cố đau lòng như vụ việc học sinh bị bỏ quên trên xe dẫn đến tử vong là hết sức cần thiết.

Trước hết, cần tuyên truyền cho học sinh một số kỹ năng thoát hiểm khi bị khóa kín trên xe, như: bấm còi liên tục (không phải tất cả các xe đều được); dùng búa đập kính; cách mở cửa hông đơn giản. Cần lắp camera trong xe để phụ huynh, giáo viên theo dõi. Cần hoán đổi toàn bộ hệ thống kính xe theo kiểu đóng mở bằng tay mà vẫn bảo đảm độ kín (tránh bụi và giữ nhiệt độ). Việc hoán đổi (hoặc đặt hàng khi mua xe mới) này không khó mà đặc biệt hiệu quả, an toàn trong trường hợp bị khóa kín cửa xe.

Cần lắp thêm bộ phận còi báo động hoàn toàn độc lập với hệ thống động cơ xe. Còi sử dụng nguồn điện trực tiếp từ bình ắc quy, có âm thanh dễ gây chú ý và có vài nút bấm ở các vị trí thuận lợi trong xe.

Tất nhiên, không phải mọi thứ đều dựa vào phương tiện, công nghệ mà cần đề cao vai trò, trách nhiệm của con người. Nếu người quản lý học sinh chỉ cần bỏ ra vài giây kiểm tra từ đầu đến cuối xe thì đã không có những cái chết đau lòng, tức tưởi.

Thanh Vân

 


Tác giả: PGS-TS PHẠM XUÂN MAI (chuyên gia giao thông)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết