XẢ RÁC NHIỀU QUÁ!: Để rác trở nên có giá trị
Khi xác định rác cũng là một loại tài nguyên, chúng sẽ được giữ lại, chờ cơ hội để quy đổi. Việc đánh vào nhu cầu và lợi ích thực tế thường dễ đi vào tai hơn là những câu tuyên truyền khuôn sáo
Ngày Môi trường thế giới (5-6) hằng năm với nhiều việc làm thiết thực để thúc đẩy nhận thức và hành động của con người trong nghĩa vụ bảo vệ hành tinh xanh.
"Chỉ một Trái đất" và thực trạng buồn
Năm 2022, với chủ đề "Chỉ một Trái đất", nhiều nơi đã có các chính sách và phương hướng riêng để sử dụng hợp lý tài nguyên, sống hài hòa cùng môi trường.
Ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được đặt ra bằng những giải pháp có hệ thống theo từng bậc thang từ đơn giản đến phức tạp. Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 chính thức có hiệu lực trong năm 2022, là một mốc giới hạn mạnh mẽ trong công tác cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
Là một người dân, địa hạt bảo vệ môi trường dễ hiểu nhất nằm ở hành động xả rác đúng nơi quy định và phân loại rác thải. Điều này cũng được đề cập trong văn bản luật mới nhất như một động thái khẳng định tính cụ thể hóa và quan trọng của nó với môi trường. Chẳng hạn, xả nhiều rác phải trả nhiều tiền, tự phân loại rác đúng cách sẽ được miễn giảm tiền phí thu gom.
Tuy vậy, dường như một bộ phận người dân đang có tâm lý "chắc nó chừa mình ra" khi ứng xử với biến đổi khí hậu từ những bãi rác. Việc thiếu ý thức trong hành động vứt rác bừa bãi của nhiều người, ngay cả dưới những biển báo cấm đổ rác, như một lời đáp trả ngược đời "thích làm những gì pháp luật cấm và không làm những gì pháp luật cho phép".
Những tuyến đường với từng đống rác trên vỉa hè, dưới hầm cầu vượt... trở nên quen thuộc với nhiều người. Chính cái sự "quen thuộc" đó đang đẩy việc xả rác bừa bãi thành một hành vi được mặc định chấp nhận trong ý thức. Ai cũng vậy, ở đâu cũng vậy, nghĩ nhiều làm gì (!?)
Việc xả rác diễn ra thường xuyên dù đã có các quy định cấm và xử phạt còn có nguyên do chúng ta đang thiếu những người chuyên nghiệp và có khả năng xử lý cơ động các hành vi vứt rác bừa bãi.
Người vi phạm biết việc xử phạt họ là điều gần như không thể, bởi lực lượng chức năng mỏng, thiếu biện pháp giám sát 24/7 để xử phạt kịp thời, chưa có hệ thống camera và phạt "nguội". Giữa dòng người đông đúc lúc tan tầm, ai đó vứt bao ni-lông đựng đồ ăn xuống đường, rồi lại tiện tay vứt luôn ly trà sữa đang uống dở.
Trong tích tắc chưa đến 2 giây ấy, họ lại hòa vào dòng xe nhộn nhịp rồi mất hút, để lại trên đường mấy bịch rác vô chủ. Rồi thì, ai phạt và phạt ai bây giờ? Đó là lý do mà vấn nạn này như một vòng luẩn quẩn: xả rác, xử phạt, ai phạt, phạt ai.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần đặt ra một bộ quy tắc ứng xử trong việc vứt rác thải nơi công cộng, song song với nâng cao công tác giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm. Răn đe và tự giác cần đồng hành trong quá trình cải thiện môi trường khỏi ô nhiễm từ các bãi rác tự phát.
Ghế salon hư bị bỏ bên gốc cây trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)Ảnh: Anh Vũ
Rác cũng là tài nguyên
Thông thường, con người có tâm lý giữ lại những gì mình cho là có giá trị, để quy đổi ra lợi ích vật chất, hoặc tinh thần. Khi xác định rác cũng là một loại tài nguyên, từ một thứ tiện tay là vứt đi, chúng sẽ được giữ lại, đem về và chờ cơ hội để quy đổi. Có lẽ vì thế mà nhiều nơi đã đưa ra những chương trình đổi rác thải lấy quà tặng.
Như tại Bình Định, ngày 4-6, người dân có thể đến Trung tâm Thương mại Quy Nhơn đổi rác thải nguy hại và nhận những phần quà hấp dẫn. Sẽ có 1.000 phần quà là sản phẩm OCOP (gạo hữu cơ, bún khô, nước mắm...), túi môi trường, sản phẩm từ mo cau... được trao tặng từ việc đổi rác. Đây là một hành động trong khuôn khổ hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác thải, tích cực thực hành 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải).
Hay những chương trình đổi giấy, đổi bao bì lấy cây xanh. Xa xưa hơn là đổi bao bột giặt, hoặc đôi dép đứt để lấy que kem. Thời đó, trẻ con trong xóm chưa cần người lớn nhắc nhở đã tự giác thu gom và phân loại rác đúng quy định, dù mục đích xuất phát là từ những phần quà nhận lại. Không thể phủ nhận việc đánh vào nhu cầu và lợi ích thực tế thường dễ đi vào tai hơn là những câu tuyên truyền khuôn sáo trên băng-rôn.
Đồng thời, cũng cần nhìn nhận một vấn đề quan trọng. Nếu coi rác là một tài nguyên, cũng nên chú ý phát triển ngành công nghiệp xử lý chất thải. Để thu hút những doanh nghiệp có năng lực vào mảng này, trước hết cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý để bảo đảm chi phí đầu tư và vận hành có lãi cho họ. Nếu ngành công nghiệp này có cơ hội phát triển sẽ góp phần giúp lượng rác thải ra và thu vào để tái chế đạt ở mức xấp xỉ, khi ấy môi trường mới đạt được trạng thái cân bằng tương đối.
Dĩ nhiên, bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải là một quá trình dài lâu cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đến khi nào chúng ta ý thức được đây là nghĩa vụ của bản thân và việc vứt rác đúng quy định là bảo vệ cho không gian sống của chính chúng ta, thì những quy định mới có cơ sở để thực thi. Bởi sức mạnh của sự đoàn kết bao giờ cũng là nguồn lực lớn nhất cho các công tác mang tầm vĩ mô như bảo vệ môi trường...
Bồn cây thành... thùng rác
Tại ấp An Phú (thị trấn Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nằm trên liên tỉnh lộ huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng và ấp Thọ Hòa Đông B (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành), dọc mé sông có nhiều bồn cây hoàng yến rất đẹp. Thế nhưng, người dân đã "tận dụng" các bồn cây này làm nơi tập kết rác, mảnh vỡ thủy tinh khiến những bồn cây mất đi vẻ đẹp vì thứ rác nguy hiểm này!
Tin-ảnh: H.S.Việt