Vỉa hè, lòng đường: Quản sao cho vẹn đôi đường (*): Biết sai nhưng vẫn lấn!
Bức tranh vỉa hè, lòng đường bị lấn vô tội vạ càng thêm u ám khi người dân chỉ ra hàng loạt địa điểm tai tiến
Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài "Vỉa hè, lòng đường: Quản sao cho vẹn đôi đường", rất nhiều người dân và bạn đọc đã liên hệ, chỉ thêm vô số điểm bị lấn chiếm. Trong ngày 13-2, lần theo những địa chỉ ấy, phóng viên nhận ra tình trạng mạnh ai nấy lấn đã rất trầm trọng.
Những "diễn viên xiếc" bất đắc dĩ
Ghi nhận trên đường Hùng Vương, đoạn qua phường 9, quận 5, tuy vỉa hè rộng gần 10 m nhưng gần 1/2 diện tích bị các cửa hàng sản xuất tủ inox chiếm dụng để trưng bày. Một số đoạn khác, rất nhiều bàn ghế của những quán nước, quán ăn…
Tình trạng càng tệ hơn quanh khu vực các bệnh viện. Đường Mạc Thiên Tích (phường 11, quận 5, cổng sau Bệnh viện ĐH Y Dược) dù vỉa hè 2 bên khá rộng với gần 3,5 m, tuy nhiên hầu hết bị các hộ kinh doanh hàng quán ăn uống chiếm dụng. Người đi bộ bị đẩy xuống đường, tình trạng giao thông quanh khu vực này rất bát nháo.
Vỉa hè đường Thành Thái, đoạn phường 14, quận 10 rộng rãi nhưng bị các cửa hàng hoa kiểng, quán nhậu chiếm dụng. Ảnh: THU HỒNG
Đến đường Hồng Bàng, đoạn qua phường 16, quận 11 và phường 15, quận 5 dù vỉa hè rộng 5-6 m nhưng đa phần bị tận dụng đặt bảng hiệu, để xe máy… Tuy vỉa hè vẫn còn lối đi cho người đi bộ nhưng không liền mạch, họ vẫn phải di chuyển trong tình trạng cheo leo, lúc bên trên, lúc bước hẳn xuống tranh làn với phương tiện dưới đường, phó mặc sự an toàn của mình như trong một màn xiếc.
Trên đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 10 và bên kia đường là phường 7, quận 11 (từ giao lộ với Nguyễn Chí Thanh đến Hòa Hảo) là nơi tập trung các cửa hàng buôn bán vải, dù vỉa hè rộng nhưng bị "xí" mất 2/3.
Đường Mạc Thiên Tích phía sau Bệnh viện ĐH Y Dược, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Ảnh: THU HỒNG
Đến đoạn Thành Thái (phường 14 và 15, quận 10), vỉa hè chiều ngang 4-5 m nhưng lại bị các cửa hàng hoa kiểng chiếm dụng gần hết. Chưa kể các quán ăn cũng tận dụng đặt bàn ghế ra tận mép khiến không gian nơi đây ngột ngạt.
Những nơi vỉa hè lớn còn bị chiếm dụng như thế, các tuyến đường có vỉa hè nhỏ 1-2 m, tình trạng càng "u ám" khi vỉa hè mặc định trở thành "của riêng" của chủ cửa hàng kinh doanh mặt tiền với việc đặt bảng hiệu hoặc để xe cho khách. Như đường Thành Thái, đoạn qua phường 12, quận 10, người đi bộ khám bệnh tại các cơ sở gần đó phải đi xuống lòng đường. Đường Nguyễn Thị Nhỏ, Tản Đà, Triệu Quang Phục (quận 5), đường Hòa Hảo, Vĩnh Viễn (quận 10)… tình trạng cũng tương tự.
Ngang nhiên lấn chiếm
Đường Phan Huy Ích chạy qua 2 quận Tân Bình và Gò Vấp có hàng chục cửa hàng buôn bán xe máy cũ. Tại đây, vỉa hè bị các cửa hàng này dùng trưng bày xe máy. Từng hàng xe máy được dựng thẳng tắp, khóa dây xích cẩn thận trên vỉa hè, ngay sát lòng đường.
Bất chấp vạch kẻ, một số hàng quán trên đường Quang Trung vẫn lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: LÊ VĨNH
Một đoạn khác, vỉa hè của con đường lại bị trưng dụng làm nơi tập kết thùng chứa rác. Khoảng 6 thùng rác nối đuôi như khiêu khích người đi. Không chỉ bị lấn chiếm, sự xuất hiện của những thùng rác trên cũng biến khu vực này thành một bãi tập kết rác.
Vỉa hè đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) cũng bị "bủa vây" với cơ man đồ gia dụng, túi xách, văn phòng… từ những cửa hàng bày ra. Hàng hóa, xe máy, thậm chí là xe hơi của khách đỗ ngang nhiên.
Một cửa hàng trái cây trên đường Lê Văn Thọ buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: LÊ VĨNH
Kế đó, con đường Lê Văn Thọ cũng không khá hơn. Một đoạn vỉa hè dài cả trăm mét gần như bị biến thành khu chợ cóc. Nhiều sạp rau củ, trái cây, thịt cá… được người dân thản nhiên bày biện. "Phải bày ra đây bán thì người ta mới mua. Để sát đường thì người ta tấp xe máy vô là mua được liền, vậy mới tiện. Biết là lấn chiếm, cũng bị quản lý trật tự đô thị nhắc nhở hoài nhưng đành chịu thôi" - một chủ sạp rau phân trần.
Đường Quang Trung có vỉa hè khá lớn, được kẻ vạch để người dân có thể sử dụng một phần diện tích vỉa hè cho mục đích khác. Ghi nhận tại đây, đa số các hộ kinh doanh trên con đường này chấp hành tốt. Xe máy, bàn ghế, hàng hóa được bày biện bên trong vạch kẻ. Tuy nhiên, phóng viên cũng thấy nhiều trường hợp cố tình vi phạm. Điển hình như tiệm cắt tóc 30 SHINE hay quán Highlands Coffee kế đó, xe máy của khách hàng được xếp vượt khỏi vạch kẻ, lấn chiếm gần hết vỉa hè.
Một quán cà phê tại quận Gò Vấp để xe máy của khách tràn ra đường. Ảnh: LÊ VĨNH
Chỉ phạt đến 6 triệu đồng
Nói về chế tài với lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật TNHH Kao Kiến, cho biết Nghị định 100/2019 đã quy định rõ. Đối với hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè có thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức.
Đối với hành vi lấn, sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có thể phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 đến 6 triệu đồng đối với tổ chức.
B.Ngọc
Nghi vấn "bảo kê"
Ngoài chỉ đích danh những khu vực lòng đường, vỉa hè bị "mạnh ai nấy lấn", bạn đọc còn nêu nghi vấn việc dẹp tình trạng này xưa nay như "bắt cóc bỏ dĩa" do có bóng dáng của "tham nhũng vặt" hoặc "bảo kê".
Bạn đọc Hương cho rằng có lợi ích nhóm. Nhiều bạn đọc đồng quan điểm, trong đó Đỗ Văn Trong khẳng định triệt lợi ích nhóm thì câu chuyện quản lý vỉa hè sẽ quy củ.
Bạn đọc Dallas_mt@Yahoo.Com đặt câu hỏi mà như khẳng định: "Ai nói họ đang lấn chiếm, sử dụng miễn phí? Có đóng phí hết cả đấy". Bạn đọc Trần Văn Nghĩa cũng nói: "TP HCM đường nào mà vỉa hè không bị lấn chiếm chỉ giùm, gần như đều đóng phí hết". Bạn đọc Cauvongxanh dứt khoát: "Vỉa hè mặc định đã có luật ngầm đóng hụi chết nên không thể dẹp dứt điểm được trừ khi xử lý nghiêm từ cấp cơ sở".
Bạn đọc Nguyễn Thương mở rộng phạm vi khi đặt vấn đề sự nhốn nháo mà báo phản ánh mới chỉ ngoài đường. Theo bạn đọc Nguyễn Thương, trong hẻm cũng không thua nhưng không thấy cán bộ khu vực đi kiểm tra gì. Chỉ khi dân gọi điện thoại rồi mới xuống. Bạn đọc Nguyễn Định Hiệp cho rằng nên tham khảo cách thức quản lý vỉa hè, lòng đường ở nước ngoài. Trong đó, từ ví dụ là Singapore, bạn đọc này khẳng định không thể bất lực với nạn lấn chiếm vỉa hè. Cần "nhạc trưởng" quyết liệt nói không với nạn lấn chiếm.
N.Kỳ
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-2