Vì sao người trẻ cũng bị sa sút trí tuệ?
Sa sút trí tuệ vốn được coi là bệnh của người già, tuy nhiên với lối sống ít vận động, hạn chế giao tiếp nên hội chứng này gặp ở người trẻ và đối tượng trung niên ngày càng phổ biến.
Sáng 11-10, tại hội thảo khoa học "Phương pháp phòng ngừa suy giảm vận động và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi", PGS-TS Nguyễn Trọng Lưu, Phó chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam, cho biết hội chứng sa sút trí tuệ có đặc trưng là suy giảm trí nhớ nhưng đây không phải là sự lão hóa thông thường mà xuất phát từ nhiều loại bệnh hoặc chấn thương ảnh hưởng chủ yếu đến não.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy khoảng 7% người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc bệnh sa sút trí tuệ. Số người mắc chứng sa sút trí tuệ được dự báo sẽ lên tới 82 triệu người vào năm 2030, phần lớn đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Kiểm tra chức năng vận động của người cao tuổi để đánh giá tình trạng sa sút trí tuệ
Tại Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Hội chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ. Hội chứng này gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, năng lực học tập, ngôn ngữ, khả năng hiểu, tính toán và phán đoán nhưng ý thức không bị ảnh hưởng.
"Dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với căn bệnh sa sút trí tuệ, nhưng với vòng quay của cuộc sống hiện đại, sa sút trí tuệ không còn là hội chứng của riêng người già mà nhiều người trẻ và đối tượng trung niên. Đó là việc lười vận động, lười giao tiếp và cuộc sống gắn bó quá nhiều với công nghệ. Dù chúng ta thường xuyên giao tiếp nhưng đó là sự tương tác tĩnh với môi trường không có thực, có thể tiếp nhận mà không diễn đạt bằng lời..." - PGS Lưu giải thích.
Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng, tình trạng béo phì và tăng huyết áp; gia tăng mắc đái tháo đường, tăng mỡ máu; thói quen uống rượu hoặc và dùng chất kích thích, tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ, trầm cảm… Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ có thể xảy ra do căng thẳng, mệt mỏi, áp lực công việc, cuộc sống.
Cũng theo PGS Lưu, sa sút trí tuệ khiến người bệnh không thể thực hiện hành vi hoặc tự sinh hoạt. Nghiêm trọng hơn, các biến chứng của bệnh còn có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Do đó, sa sút trí tuệ không nên được xem là một dạng suy giảm trí nhớ thông thường, người dân nên đi thăm khám, tầm soát để phát hiện bệnh sớm và quản lý triệu chứng, điều trị các bệnh là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.