A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vắc-xin mũi 3, mũi 4 ngừa bệnh nặng

Các liều tăng cường có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở nhóm đối tượng tuổi cao, có bệnh nền

Theo Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), đơn vị song hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong chiến dịch COVAX, biến chủng phụ mới của Omicron BA.4 đã được phát hiện tại Nam Phi từ ngày 10-1; trong khi BA.5 được phát hiện từ ngày 25-2, nhanh chóng trở thành các dòng ưu thế.

Lây nhanh nhờ thoát miễn dịch

Thống kê mới nhất được Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ công bố ngày 23-6 cho thấy BA.5 đã chiếm 23,5% các trình tự gien SARS-CoV-2 ở nước này sau vài tuần liên tục gia tăng, mặc dù Mỹ vẫn đang trong làn sóng BA.2.12.1.

Một bài phân tích của Tạp chí Khoa học Nature cho biết các nhà nghiên cứu đã chỉ ra BA.4 và BA.5 mang những đột biến độc đáo L452R và F486V, có thể điều chỉnh khả năng bám vào tế bào vật chủ và một số phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, các nghiên cứu tại những nước trải qua làn sóng BA.4 và BA.5 lâu nhất là Nam Phi và Bồ Đào Nha chưa cho thấy khác biệt về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) của các dòng mới so với Omicron "tổ tiên".

Nghiên cứu khác từ Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess - Mỹ, vừa công bố trên Tạp chí Y học New England, đã cụ thể hóa vấn đề bằng cách đánh giá hiệu giá kháng thể (phản ánh nồng độ kháng thể) của người từng tiêm 2 mũi, 3 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer, cũng như người từng tiêm và từng nhiễm BA.1 hoặc BA.2 Omicron, lần lượt trên các dòng SARS-CoV-2: chủng gốc được phân lập ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) năm 2020, các biến chủng phụ của Omicron gồm BA.1, BA.2, BA.2.12.1, BA.4, BA.5.

Kết quả cho thấy dòng phụ Omicron càng mới thì hiệu giá kháng thể càng thấp, tức khả năng kháng thể đối đầu với virus càng kém. Nếu so với chủng gốc, hiệu giá kháng thể đạt được ở BA.5 thấp hơn 3,3 lần ở nhóm tiêm 3 mũi nhưng chưa nhiễm Omicron; thấp hơn 2,9 lần ở nhóm đã "nhiễm đột phá" BA.1 hoặc BA.2. "Những dữ liệu này cho thấy các biến phụ BA.2.12.1, BA.4 và BA.5 về cơ bản thoát khỏi kháng thể trung hòa do cả tiêm chủng và nhiễm trùng trước đó tạo nên" - nhóm nghiên cứu kết luận.

Nghiên cứu do tiến sĩ Khitam Muhsen từ Đại học Tel Aviv - Israel làm chủ nhiệm, dựa trên 43.775 người trên 60 tuổi đang được chăm sóc tại các viện dưỡng lão cho thấy các liều tăng cường (mũi 3, mũi 4) có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong ở nhóm đối tượng nguy cơ này. Người tiêm vắc-xin Covid-19 được 4 mũi phải nhập viện với bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình là 0,9%, mức độ nặng là 0,5% và tử vong chỉ là 0,2%; trong khi 3 mũi có tỉ lệ tương ứng là 2,8%, 1,5% và 0,5%. Vắc-xin được xem xét trong nghiên cứu là BNT262b2 (vắc-xin Pfizer).

Tiêm đủ vắc-xin cũng là khuyến nghị từ GAVI, bao gồm các quần thể đã trải qua các làn sóng Omicron trước đó. "Dữ liệu về hiệu quả của các mũi tăng cường chống lại các biến chủng phụ mới nhất vẫn còn ít nhưng kinh nghiệm trước đó cho thấy dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng có thể giúp phục hồi khả năng miễn dịch, ít nhất là không nhập viện và tử vong ở những người đã được tiêm phòng cách đây một thời gian" - GAVI cho biết trong tuyên bố ngày 23-6.

15 tuần sau tiêm mũi 3, kháng thể giảm nhiều

Nghiên cứu mới từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU - Vương quốc Anh) dựa trên 47 nhân viên y tế, vừa công bố bản preprint trên MedrXiv, cho thấy liều tăng cường thứ nhất (mũi 3) thực sự có khả năng tạo ra kháng thể trung hòa dồi dào đối với Omicron (nghiên cứu dựa trên 2 dòng BA.1 và BA.2); cho dù trước khi tiêm - 8 tháng sau mũi 2 - kháng thể chống lại chủng tổ tiên là Delta và Omicron ở những người này hầu như đã bị loại bỏ. Trong đó, 26 người từng nhiễm đột phá Delta có lượng kháng thể trung hòa tăng lên đáng kể. Kháng thể chống Omicron tiếp tục giữ ở mức cao trong 15 tuần, sau đó giảm đi rõ.

"Kháng thể kháng Omicron hình thành ở tất cả đối tượng tiêm chủng 2 tuần sau mũi 3, người từng nhiễm đột phá biến chủng Delta vẫn cần mũi 3 để có kháng thể kháng Omicron tốt hơn. Nhưng kháng thể kháng Omicron giảm đáng kể ở thời điểm hơn 3 tháng sau đó, cho thấy có thể cần thiết tiêm mũi nhắc lại thứ 2 nhằm kéo dài thời gian bảo vệ của vắc-xin trước biến chủng Omicron" - PGS-TS Lê Văn Tấn từ OUCRU cho biết. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...