A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ “Ba sẵn sàng” đến “Thanh niên tình nguyện”

Gần 60 năm trôi qua, phong trào “Ba sẵn sàng” đã hun đúc nên một thế hệ sinh viên Thủ đô với nhiều phẩm chất tốt đẹp, lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì dân tộc, đất nước.

Tự hào người lính “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”

Đầu những năm 60, trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày càng diễn ra ác liệt, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước sâu sắc đã khiến gần 100 chi đoàn sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội dấy lên tinh thần xung phong, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng, Đoàn và nhà trường giao phó.

Từ khí thế sôi nổi của các cơ sở Đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào “Tam bất kỳ” với ba nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Phong trào “Tam bất kỳ” sau đó đổi tên thành “Ba bất kỳ” rồi “Ba sẵn sàng”, đã hình thành một khí thế mới trong đông đảo sinh viên nhà trường.

Tối 30/4/1964, trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, với sự tham gia của gần 7.000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên và lời thề: “Sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược! Sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước! Sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào mà Đảng, Nhân dân, Tổ quốc cần đến mà không đòi hỏi đãi ngộ!”.

Từ “Ba sẵn sàng” đến “Thanh niên tình nguyện”

Sinh viên tình nguyện Thủ đô không ngại hiểm nguy lên đường chống dịch

Sau đó, phong trào được đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học khác và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng sôi nổi. Nhiều khẩu hiệu xuất hiện trên đường phố: “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...

Phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thành quả của sự nghiệp giáo dục chủ nghĩa yêu nước, gắn bó mật thiết với những phong trào thi đua yêu nước mà các tổ chức Đoàn đã dày công thực hiện với chức năng cao quý là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, thực hiện chức năng giáo dục gắn với tổ chức hành động, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ thông qua việc sáng tạo ra tên các phong trào và khẩu hiệu hành động...

Áo xanh tình nguyện và những khâu khó, việc mới

Ngọn lửa ấy vẫn sáng mãi đến hôm nay, với những phong trào thi đua xung kích được tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ Thủ đô nói riêng thực hiện như: “Sinh viên lập nghiệp”, “Sinh viên sáng tạo”, “Tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Sinh viên tình nguyện xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Sinh viên Thủ đô hướng về biển, đảo quê hương”...

Trong đó, có thể nói phong trào “Sinh viên tình nguyện” là sự phát huy, kế thừa hiệu quả, thiết thực nhất từ phong trào “Ba sẵn sàng”, khơi dậy tinh thần xung kích, tự nguyện của thanh niên trong đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước; tình nguyện đảm nhận những việc rất mới, rất khó, đến những nơi xa xôi hẻo lánh, thể hiện nhiệt huyết của thế hệ trẻ Việt Nam trong bất cứ thời kỳ nào.

Khi đất nước cần, bằng sức trẻ, trí tuệ, với phương châm "biến tình yêu thành hành động", các sinh viên, thanh niên Thủ đô, đội phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 được hình thành. Hàng trăm y, bác sĩ trẻ trong đó có những sinh viên ưu tú lao mình vào tâm dịch với mục tiêu góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19...

Từ “Ba sẵn sàng” đến “Thanh niên tình nguyện”

Phong trào “Ba sẵn sàng” đã hun đúc nên một thế hệ sinh viên Thủ đô với nhiều phẩm chất tốt đẹp, lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì dân tộc

Hằng năm, những công trình tình nguyện ở khắp nông thôn và thành thị được xây dựng; những chương trình “Hiến máu tình nguyện,” “Ngày Chủ nhật đỏ” lan tỏa rộng khắp... Tất cả đều ngập sắc màu áo xanh của tuổi trẻ, của các thế hệ sinh viên với những khát khao cống hiến vì đất nước.

Kế thừa truyền thống, sự tâm huyết của cha ông đi trước, thế hệ sinh viên Thủ đô hôm nay đã và đang có những cách thức hành động để đưa thanh niên Việt Nam gắn bó hơn với các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp dựng xây đất nước giàu đẹp, hùng cường.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, phong trào “Ba sẵn sàng” đã hun đúc nên một thế hệ thanh niên, sinh viên với những phẩm chất tốt đẹp, đó là lòng yêu nước, biết hy sinh, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.

Phong trào “Ba sẵn sàng” không chỉ có ý nghĩa to lớn trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc mà vẫn luôn phát huy giá trị trong thanh niên thời bình. Tinh thần “Ba sẵn sàng” nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để gánh vác sứ mệnh của tuổi trẻ trong thời đại mới, với bản lĩnh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết