A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trân trọng người lao động

Trong nhiều cuộc liên hoan cuối năm ở cơ quan, doanh nghiệp (DN) những năm qua thường có một hoạt động khá xôm tụ là xổ số.

Thời lượng dành cho hoạt động này thường khá dài, để thêm không khí vui vẻ và cũng để giữ chân người tham dự cho đến những phút cuối cùng. Phần thưởng hầu hết là những vật dụng gần gũi với sinh hoạt của số đông người lao động (NLĐ), những giải cao nhất là những vật dụng có giá trị khá cao, như tivi, tủ lạnh, xe máy...

Điều đáng quý là thường khi giải cao nhất được trao cho những NLĐ làm những công việc có phần khiêm tốn, lặng lẽ nhất trong đơn vị, luôn được số đông tập thể hoan hô. Hầu như ai cũng mừng khi NLĐ đó trúng thưởng, nhận được phần quà có giá trị cao, tiếp thêm niềm vui cho người đó và gia đình trước thềm năm mới với mong ước có cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Của cho không bằng cách cho" cũng còn được nhiều DN tại TP HCM và các tỉnh phía Nam thể hiện bằng cách khen thưởng cho NLĐ vào dịp cuối năm hay lễ, Tết. Ngoài các khoản thưởng bằng tiền mặt theo quy định chung của DN, một số trường hợp NLĐ có thành tích đặc biệt xuất sắc, có đóng góp tích cực, có thời gian cống hiến nhiều năm cho DN còn được tặng những phần quà có giá trị cao. Đó có thể là quà lưu niệm bằng vàng để ghi nhớ công lao với người sẽ về nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến; là tặng phẩm bằng vàng để NLĐ làm của để dành hay chiếc xe máy để NLĐ làm phương tiện đi lại hằng ngày…

Tặng phẩm nào trong trường hợp này cũng đáng quý, thể hiện sự tôn vinh, trân trọng đóng góp của NLĐ với đơn vị. Những tặng phẩm đó cũng rất thiết thực, nhất là với NLĐ có điều kiện kinh tế không khá giả. Chiếc xe máy sẽ giúp họ hoặc chồng con có thêm phương tiện đi làm, đến trường. Chiếc tivi trúng thưởng để trong phòng khách sẽ luôn nhắc nhớ một kỷ niệm đẹp với công ty, cùng những gương mặt, bóng dáng đồng nghiệp thân mến trong cuộc sống của NLĐ…

Với những DN ngỡ như "không qua khỏi", vừa gượng dậy sau đại dịch càng thấu hiểu giá trị lớn lao của đội ngũ lao động. Quan tâm chăm lo cho NLĐ những lúc "ăn nên làm ra", lúc DN lâm vào khốn khó của đại dịch, không có việc làm hoặc giữ việc làm cầm chừng cho NLĐ, tổ chức "3 tại chỗ", càng thấy sự gắn bó với DN của NLĐ là tình cảm quý báu, chân tình. 

Họ chấp nhận lương thấp, chấp nhận nghỉ việc nhận khoản phụ cấp lương ít ỏi và vui mừng trở lại khi DN có đơn hàng. Đó chính là sự động viên lớn lao họ dành cho người sử dụng lao động trong khi nhiều DN khác chạy đôn chạy đáo tìm kiếm nhân công cho đủ dây chuyền. Sự đền đáp trong đối xử tình người không phải là những mỹ từ sáo rỗng mà xuất phát từ lòng chân thật, luôn biết nghĩ cho nhau, DN trụ lại, làm ăn phát triển thì NLĐ cũng được chăm lo tốt hơn…

Có nhiều phương cách, hình thức để quan tâm đội ngũ NLĐ, nhưng cách nào đi nữa, cũng phải dựa trên tình người. Vật chất trao tặng có thể lớn hoặc nhỏ, cao hoặc thấp về giá trị nhưng sự tôn vinh, trân trọng NLĐ phải được đặt lên đúng chỗ, xứng tầm. Từ đó người trao, kẻ nhận đều thấy hài lòng, ai cũng có thêm động lực, niềm vui để sống và làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...