TP HCM rà soát các khu đất trống xây bãi đậu xe lắp ghép
Việc xây bãi đậu xe cao tầng lắp ghép nhằm giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân tại trung tâm TP HCM vốn đang thiếu trầm trọng.
Sở Giao thông Vận tải TP HCM (Sở GTVT) vừa có văn bản khẩn đề nghị Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận- huyện rà soát các vị trí đất trống do Nhà nước quản lý để xây dựng bãi đậu xe công cộng lắp ghép thông minh, giải quyết nhu cầu đỗ xe cấp thiết. Thời gian rà soát từ nay đến trước ngày 30-7.
Theo Sở GTVT, việc rà soát các khu đất nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nghị quyết này cho phép TP HCM cấp phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng, bao gồm nhà để xe trên đất do Nhà nước quản lý.
Hiện nay có 4 khu đất đang được Sở GTVT đề xuất xây dựng bãi đậu xe lắp ghép theo công nghệ bán tự động, thời gian sử dụng trong 5 năm.
Vị trí thứ 1 khoảng 348 m2 lòng đường Lê Lai từ Phạm Hồng Thái đến Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1) - nơi đang tổ chức đỗ xe có thu phí. Quy mô bãi xe tại đây gồm 4 khối ôtô (dạng xoay) cao 16,5 m với sức chứa 49 xe dưới 9 chỗ.
Vị trí thứ 2 khoảng 427 m2 trước công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng, đoạn từ Võ Thị Sáu đến Điện Biên Phủ (đang tổ chức đỗ xe có thu phí). Tại đây xây 9 khối ôtô dạng xoay cao 21 m, sức chứa 144 xe dưới 9 chỗ.
Vị trí thứ 3 khoảng 312 m2 trong bến xe Chợ Lớn (Quận 5). Tại đây xây 4 khối ôtô cao 21 m, sức chứa 96 xe dưới 9 chỗ và hai khối xe 2 bánh cao 21 m, chứa 220 xe.
Vị trí thứ 4 khoảng 468 m2 lòng đường Hải Thượng Lãn Ông (gần chợ Kim Biên, Quận 5). Tại đây sẽ xây 6 khối ôtô cao 21 m, sức chứa 94 xe dưới 9 chỗ.
Một điểm giữ ô tô có thu phí ở lòng đường tại quận 1
Theo Sở GTVT, việc xây bãi xe cao tầng lắp ghép bán tự động có chi phí đầu tư thấp, công nghệ quản lý không phức tạp (gồm hệ thống cơ khí và phần mềm quản lý vận hành). Thời gian thi công lắp đặt, tháo dỡ ngắn, khoảng 3 tháng. Ngoài ra, bãi xe dạng này có diện tích chiếm dụng nhỏ, vận hành theo khối đơn lẻ (49 m2 cho 8-21 ôtô dưới 9 chỗ) hoặc kết hợp nhiều khối. Công trình có thời gian thu hồi vốn nhanh và chi phí bảo hành, bảo trì thấp.
Tại TPHCM, áp lực thiếu bãi đỗ xe tại trung tâm TP rất lớn. Thống kê cho thấy hệ thống bến bãi ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha sau năm 2020.