A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình người trong những xóm nghèo

Bôn ba, tha phương, lăn lộn mưu sinh ở xứ người, trong tận cùng của cái nghèo, cái khó, họ - những người lao động tự do - vẫn hun đúc, gìn giữ những giá trị đẹp trong đời. Nhiều câu chuyện về họ thoạt nghe cứ ngỡ như trong cổ tích.

Cặp bán vé số yêu thương

Từ lâu lắm rồi, người dân những tuyến đường khu vực Đại Đồng, quanh chợ Thủ Đức khá quen thuộc với cảnh cặp vợ chồng ông bà cụ dắt díu nhau lần mò đi bán vé số mưu sinh.

Ở cái tuổi đúng ra được an dưỡng, vui vầy bên con cháu, ông bà vẫn cặm cụi đi bán vé số ngày 2 buổi, bất kể nắng hay mưa. Nhiều người thương ông bà tuổi già còn phải mưu sinh ngoài đường nên cũng hay giúp đỡ, người 5.000 đồng, người 10.000 đồng cho ông bà có thêm chút tiền trang trải. Trong mắt người dân chỉ biết ông bà già khó khăn, ít ai biết đằng sau cuộc sống bần hàn đó, cách đây hơn 20 năm, ông bà đã giang tay ôm ấp một sinh linh bị bỏ rơi.

ông Trang Công Quản và bà Nguyễn Thị Nên vưa về nhà sau buổi sàng đi bán. phía sau là chiếc xe lăn phương tiện mưu sinh của ông bà

Vợ chồng ông Trang Công Quản và bà Nguyễn Thị Nên vừa về nhà sau buổi sáng đi bán vé số. Phía sau là chiếc xe lăn - phương tiện mưu sinh của ông bà

Giữa trưa một ngày đầu tháng 7, trời vừa dứt mưa, ông lụi cụi đẩy bà trên chiếc xe lăn về lại căn phòng trọ nhỏ trên đường số 8, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm tuổi đã cao, vừa vào phòng ông nằm vội lên chiếc chiếu trên nền nhà thở nặng nhọc. Căn phòng chưa đầy 10m2, chỉ có 1 cái bàn nhỏ, 1 cái xe đẩy, vật dụng… Ghế không có, khách đến chơi chỉ còn khoảng không gian nhỏ của nền nhà.

Theo lời bà, ông tên Trang Công Quản, năm nay đã 91 tuổi. Bà là Nguyễn Thị Nên, năm nay tuổi cũng đã 80. Quê gốc ông bà ở khu vực ga Sóng Thần (Bình Dương). Sau khi người vợ đầu qua đời, ông mới gặp bà khi tuổi đã cao. Hai mảnh đời bôn ba cảm thông hoàn cảnh của nhau nên dọn về sống chung, lấy cái nghề bán vé số mưu sinh.

Tuổi cao, ông bà tìm về khu vực chợ Thủ Đức để bán. “Cái phòng trọ này tụi tôi ở hơn 22 năm rồi. Ở đây riết cũng quen, với lại từ đây ra chợ Thủ Đức cũng gần nên không muốn dời chỗ khác”, bà nói.

Cái mốc thời gian 22 năm mà bà nhớ là có lý do. Vào khoảng thời gian đó, trong một lần đang đi bán, nghe có người nói có một đứa bé bị mẹ bỏ rơi ngoài đường, ông bà vội tìm đến. Nhìn thằng bé khóc oe oe thấy tội quá, ông bà xin nhận về nuôi và đặt tên theo họ ông là Trang Thanh Hùng.

Hai mảnh đời già mưu sinh đã khó khăn, giờ gánh thêm đứa bé đỏ hỏn, khiến cuộc sống bị đảo lộn. Khó chồng khó nhưng thấy bé tội nên không đành lòng. Từ ngày có thêm thành viên, cuộc sống khó khăn hơn nhưng có tiếng trẻ thơ trong nhà làm cho căn phòng như ấm áp thêm.

Hùng được ông bà nuôi dưỡng, cho ăn học đến lớp 7 thì không còn khả năng gánh nổi nên phải dừng chuyện học. Giờ thì chàng trai 22 tuổi đã là nhân viên cho một cây xăng trên địa bàn TP Thủ Đức.

Cách đây hơn 2 năm, trong một lần đi bán, bà bị tai nạn giao thông khiến 1 chân không thể đi đứng bình thường. Giờ mỗi ngày, ông cụ 91 tuổi, đẩy bà cụ 80 tuổi ngồi trên chiếc xe lăn tiếp tục công việc mưu sinh.

“Mỗi ngày tụi tôi bán cũng kiếm được 100 ngàn đồng. Thằng nhỏ đi làm cũng được 6 triệu/tháng, may nhờ có nó cũng đỡ đần được chút. Tiền nhà trọ mỗi tháng 2 triệu. Còn làm được nên cái ăn còn tính được, sợ nhất lúc trái gió trở trời, mấy bữa nay cái chân đau nhức nhiều nhưng không có thuốc, giờ cố gắng thôi”, bà Nên bảo vậy.

Nếu nói khổ, có lẽ chẳng ai chấp nhận chịu khổ như ông bà cụ. Đôi lá rách dắt díu nhau kiếm cơm đã khó, nhưng đứng trước nghịch cảnh, cái tình người vẫn cao hơn cái khổ nên họ cố gắng cưu mang thêm đứa trẻ mà không so đo, tính toán. Giờ đứa bé ấy đã lớn khôn nhưng hoàn cảnh của họ vẫn cứ khó, vẫn sống trong căn phòng trọ nhỏ, vẫn phải lặn lội nắng mưa hàng ngày.

Khó là vậy nhưng ông bà vẫn tự hào vì với sức lực tuổi cao của mình vẫn đi lại mưu sinh. Ông bà đã cưu mang được đứa trẻ bị bỏ rơi bằng những tờ vé số và sự yêu thương của mọi người cũng là việc vô cùng ý nghĩa và an ủi lúc tuổi xế chiều.

Lòng hiếu thảo của một đứa con

Nhìn Lê Hữu Thiệt (sinh năm 1988) cần mẫn đi bán vé số mỗi ngày, ít ai nghĩ rằng phía sau Thiệt là một câu chuyện cảm động về chữ hiếu không dễ gì thực hiện.

Người dân trong khu hẻm 60, đường số 4, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức cứ mỗi sáng sớm lại thấy Thiệt vội vã rời nhà, đến khoảng cuối buổi sáng lại quay về phòng trọ. Đầu giờ chiều, Thiệt tiếp tục đi bán đến xế chiều thì quay lại. Tối xuống, Thiệt lại trở ra đường tiếp tục cuộc mưu sinh.

Chuyện kiếm sống của người dân lao động cũng chẳng có gì lạ, chỉ là cái khung giờ chỉn chu của Thiệt khiến người ta hơi bỡ ngỡ. Qua thời gian, nhiều người mới hiểu rõ lý do. Đằng sau sự vội vã, chỉn chu về thời gian đó là người mẹ bị tai biến liệt nửa người đang chờ Thiệt lo toan.

Thiệt cho mẹ uống thuốc trước giờ đi bán vé số buổi chiều

Thiệt bên mẹ trước giờ đi bán vé số

Quê Thiệt ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Năm 2000, cha mẹ chia tay, Thiệt được mẹ dẫn lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống khi tròn 12 tuổi. Chân ướt chân ráo lên thành phố, 2 mẹ con tá túc nhờ một người bà con ở khu vực ngã tư Bình Thái (TP Thủ Đức ngày nay). Bà Bùi Thị Ngọc Thu - mẹ Thiệt - xin vào làm dọn vệ sinh cho một công ty sản xuất giày. Thiệt ở nhà phụ giúp quán cơm cho người bà con ấy.

Được 2 năm, hai mẹ con Thiệt phải ra ngoài mướn phòng trọ ở. Thiệt được mẹ xin cho vào làm chung trong công ty. Cuộc sống những tưởng bình yên thì đột nhiên trong một lần đi làm, bà Thu bị chóng mặt và tai biến liệt nửa người. Chi phí chữa trị lên đến cả 100 triệu đồng, cũng nhờ bạn bè, đồng nghiệp, công ty ủng hộ, số còn lại Thiệt phải đứng ra cáng đáng. Toàn bộ số tiền tích cóp của 2 mẹ con cũng “bốc hơi” theo từng toa thuốc.

“Lúc đó khó khăn nên hai mẹ con quyết định tìm chỗ trọ mới. Tìm được khu trọ này, biết hoàn cảnh hai mẹ con, chủ nhà trọ giảm luôn 500 ngàn đồng/tháng. Khoảng 20 năm ở đây, tháng nào mẹ con em cũng được giảm như vậy. Tới giờ em cũng không biết mặt chủ nhà, chẳng biết tên họ, chỉ biết chị quản lý khu nhà trọ ở đây. Họ làm ơn nhưng chẳng cần người khác ghi ơn”, Thiệt tâm sự.

Tính ra cũng đã 20 năm Thiệt chăm mẹ. Thời gian đầu, mẹ Thiệt chỉ nằm trên giường, lật qua lật lại cũng khó. Thương mẹ, Thiệt xin nghỉ làm ở công ty, chọn nghề bán vé số để có thời gian chăm sóc. Vậy là 20 năm đằng đẵng, vừa chăm sóc mẹ vừa lo kiếm sống đã hình thành cái thời gian biểu đặc biệt của Thiệt.

Mỗi ngày, Thiệt dậy sớm, vệ sinh cho mẹ, chuẩn bị cơm nước, lo cho mẹ ăn xong, Thiệt mới tập trung đi bán. Bán xong buổi sáng, Thiệt lại vội vã quay về để kịp lo cho mẹ buổi trưa. “Bình thường, một ngày em cũng kiếm được 400 ngàn đồng nhưng mùa mưa gió thế này buôn bán khó khăn hơn nên cũng khó.

Tiền nhà, điện, nước mỗi tháng khoảng 2,5 triệu đồng. Tiền thuốc, tiền ăn uống chi tiêu gói ghém lắm cũng dư được chút đỉnh, em dành dụm những lúc phải đưa mẹ đi bệnh viện. Nhiều lúc thiếu tiền, xin chủ nhà cho đóng trễ 5 - 7 ngày thì chị quản lý tốt bụng không bao giờ từ chối”, Thiệt tâm sự.

Theo lời Thiệt, mẹ có đến 8 người con nhưng đều ở dưới quê, ai cũng khó khăn nên “nhường” hết việc chăm mẹ lại cho Thiệt. “Mẹ sinh ra mình mà. Giờ lo cho mẹ được bao nhiêu em làm hết sức mình thôi. Em đã nhủ lòng rồi, sẽ lo cho mẹ tới bờ tới bến, không để mẹ phải buồn”, Thiệt nói.

Ngồi kế bên, bà Thu nhìn con miệng lắp bắp: “Tội nghiệp, nó khổ từ nhỏ rồi, cố gắng lo cho tôi. Nhìn nó, tôi đau lòng lắm! Giờ tôi có làm được gì đâu...”, bà Thu rơm rớm, mắt đỏ hoe.

Tài sản trong cái phòng trọ nhỏ chẳng có gì đáng giá, chỉ có cái giường gỗ là tấm lòng của một người tốt bụng khi thấy bà tai biến nằm trên đất nên cho lại.

Đang nói chuyện, nhìn đồng hồ, Thiệt nhẹ nhàng đỡ mẹ dậy lo cho bà uống thuốc. “Sắp tới giờ đi bán rồi nên phải cho mẹ uống thuốc, lát quên không biết sao”, Thiệt giải thích.

Không ai biết Thiệt là người tốt hay xấu, nhưng 20 năm lo cho mẹ nằm liệt, tấm lòng hiếu thảo của Thiệt cũng là bài học lớn cho nhiều người.

Cuộc sống còn đầy dẫy khó khăn, nhưng sự lo lắng, chăm sóc cho mẹ của Thiệt chưa bao giờ vơi đi.

Chia tay Thiệt ra về, cơn giông đã đen kín trời. Bước đường mưu sinh của Thiệt chiều nay sẽ khó khăn hơn.

Có câu nói của Thiệt cứ văng vẳng trong suy nghĩ của tôi: “Em đã nhủ lòng rồi, sẽ lo cho mẹ tới bờ tới bến, không để mẹ phải buồn”. Chẳng văn hoa, bóng bẩy, câu nói đơn sơ, chân chất khiến người nghe cứ phải nao lòng, suy nghĩ.

Đẹp lắm cái bờ, cái bến của lòng hiếu thảo.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết