Tìm mọi cách giữ chân lao động
Không chỉ có chế độ tiền lương hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn liên tục cải thiện phúc lợi để giữ chân người lao độn
Qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, hiện các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển khoảng 50.000 lao động, trong đó 99% là lao động phổ thông. Nhiều DN đang rất thiếu lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Thưởng vàng, tiền cho người lao động
Đã thành thông lệ, hằng năm, Ban Giám đốc Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đều tặng vàng cho những lao động gắn bó lâu năm với công ty. Theo đó, những ai làm việc tại công ty đủ 15 năm đều sẽ được thưởng 1 chỉ vàng SJC.
Chưa dừng lại đó, ban giám đốc và Công đoàn cơ sở còn phối hợp chặt chẽ trong việc chăm lo, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động (NLĐ). Trang Fanpage của Công đoàn cơ sở liên tục thông tin cho NLĐ biết những chính sách mới liên quan đến quyền lợi của NLĐ, nhất là chế độ hỗ trợ dành cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lịch tiêm chủng vắc-xin... NLĐ cũng được hướng dẫn cặn kẽ thủ tục vay vốn tiêu dùng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Sát cánh cùng NLĐ, Công đoàn công ty đã quyên góp được hơn 312,6 triệu đồng để giúp đỡ 6 công nhân (CN) mắc bệnh hiểm nghèo. Mỗi trường hợp đã được nhận hơn 52,1 triệu đồng. Những việc làm nhân văn, nghĩa tình của lãnh đạo DN và Công đoàn cơ sở khiến NLĐ thêm ấm lòng lúc khó khăn, từ đó gắn bó lâu dài với nơi làm việc.
Mới đây, tập thể CN Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (huyện Long Thành) rất bất ngờ khi được nhận một khoản trợ cấp đặc biệt (6 triệu đồng/người) trong kỳ lương tháng 3. Đại diện lãnh đạo DN cho biết đây là sự ghi nhận và tri ân nỗ lực hết mình của tập thể NLĐ, đặc biệt là những lao động thực hiện "3 tại chỗ". Công ty hy vọng khoản trợ cấp này sẽ góp một phần nhỏ giúp CN và gia đình của họ vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Tương tự, toàn bộ CN tại Công ty TNHH YKK Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) cũng vừa được thưởng 5 triệu đồng/người. Đây là kết quả của sự thỏa thuận giữa lãnh đạo DN và Công đoàn cơ sở dựa trên hiệu quả hoạt động của công ty trong thời gian qua. Tại Công ty TNHH J-Spiral Steelpipe (TP Biên Hòa), dù dịch bệnh ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của DN nhưng lãnh đạo công ty vẫn chi hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ NLĐ. Riêng những lao động thực hiện "3 tại chỗ" trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài tiền thưởng hằng năm còn được thưởng thêm 3 tháng lương.
Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam trao tiền hỗ trợ cho người lao động mắc bệnh hiểm nghèo
Quan tâm nơi ở của công nhân
Muốn NLĐ an tâm gắn bó lâu dài với DN, việc trước tiên cần làm là phải giúp họ có chỗ ở ổn định. Điều này được Tổng Công ty Cao su Đồng Nai hiện thực hóa bằng việc xây dựng các khu nhà lưu trú miễn phí cho những NLĐ xa quê. Tại khu lưu trú này, những gia đình NLĐ được bố trí ở các phòng được trang bị giường, quạt, bếp nấu ăn và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày.
Anh Lù Mí Sả - CN quê ở Hà Giang, có hơn 1 năm làm việc tại Nông trường Cao su An Viễng (thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai) - cho biết anh và nhiều đồng nghiệp rất yên tâm khi được tổng công ty, nông trường và Công đoàn quan tâm, hỗ trợ. Nhờ được tổng công ty xây dựng chỗ ở miễn phí khang trang nên NLĐ giảm bớt gánh nặng tiền thuê trọ, tiền mua vật dụng gia đình...
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Nông trường Cao su An Viễng, cho biết 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh và sự cạnh tranh lao động khốc liệt nên nông trường bị thiếu lao động, việc tuyển dụng lao động rất khó khăn. Do vậy, ngoài tuyển dụng lao động tại địa phương, tổng công ty đã tổ chức đoàn ra các tỉnh phía Bắc để kết nối, tuyển lao động. Để bảo đảm đời sống NLĐ, thời gian đầu, tổng công ty đã hỗ trợ họ ít nhất 1 tháng lương (trên 7 triệu đồng/người); bố trí nơi ăn, ở ổn định. Hiện Nông trường An Viễng có 60 căn nhà lưu trú dành cho CN các tỉnh xa về ở.
Có thể khẳng định, để tuyển mới và giữ chân NLĐ trong điều kiện dịch bệnh và sự cạnh tranh lao động khốc liệt như hiện nay, người sử dụng lao động cần phải thay đổi cách đối xử với NLĐ. Nhiều DN luôn rêu rao NLĐ là tài sản quý nhưng thực chất chưa quan tâm, chăm lo cho họ, thậm chí, có những DN còn tìm cách sa thải NLĐ lớn tuổi. Chính sự đối đãi không thực tâm của DN khiến NLĐ không mặn mà quay trở lại làm việc khi dịch lắng xuống.