A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thương lượng tốt để công nhân có bữa ăn ngon

Công đoàn cơ sở cần chủ động thương lượng, đưa nội dung nâng cao chất lượng suất ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao độn

Từ năm 2018, giá mỗi suất ăn giữa ca của người lao động (NLĐ) tại Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM) đã là 31.000 đồng/suất. Mỗi suất ăn luôn có 3 món chính (kho, xào, chiên), 1 món canh và thức uống. Đặc biệt vào ngày rằm hay mồng một (âm lịch), bếp ăn có phục vụ thêm món chay cho công nhân (CN).

Bảo đảm dinh dưỡng

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tico, cho biết trước đây để tránh rủi ro, công ty thường chọn mua thực phẩm đông lạnh sẵn tại các siêu thị. Sau một thời gian, công ty quyết định chuyển sang mua thực phẩm ở các chợ truyền thống nhưng có kiểm tra, giám sát, nhờ vậy suất ăn vừa an toàn vừa bảo đảm dinh dưỡng

Chỉn chu là vậy, song ông Lâm thẳng thắn nhìn nhận suất ăn giữa ca hiện tại tại công ty dư thừa chất béo do nhân viên nhà ăn lạm dụng dầu mỡ khi chế biến và thiếu rau xanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe về lâu dài của NLĐ. Kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ cho NLĐ tại công ty cho thấy có nhiều trường hợp máu và gan bị nhiễm mỡ. "Nếu có điều kiện, doanh nghiệp (DN) nên tự tổ chức bếp ăn thay vì sử dụng các suất ăn công nghiệp, bởi sẽ kiểm soát được chất lượng thực phẩm từ đầu vào đến khâu chế biến suất ăn… từ đó tránh được tình trạng ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, cần cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, rau xanh…) trong suất ăn" - ông Lâm lưu ý.

Thương lượng tốt để công nhân có bữa ăn ngon - Ảnh 1.

Bữa ăn giữa ca của người lao động tại Công ty CP Tico Ảnh: CAO HƯỜNG

Tại Công ty TNHH Nệm Vạn Thành (quận Tân Phú, TP HCM), mỗi suất ăn giữa ca của NLĐ có giá 25.000 đồng. Riêng lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ được tăng cường thêm dinh dưỡng trong suất ăn hoặc có thể lựa chọn nhận tiền để ăn trưa theo nhu cầu. Dù giá suất ăn hiện tại cao hơn mức một số DN lân cận nhưng theo bà Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty, chất lượng suất ăn vẫn chưa bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho NLĐ do giá cả tăng cao trong thời gian gần đây. "Công ty rất cần tổ chức Công đoàn TP giới thiệu, kết nối với các nơi cung cấp gạo, thực phẩm bình ổn giá, bảo đảm chất lượng để tổ chức bữa ăn cho NLĐ" - bà Hồng cho biết.

Nhiều nơi suất ăn giữa ca chỉ 15.000 đồng

Tại tọa đàm về chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ tổ chức chiều 28-6, LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM cho biết từ đề xuất của các Công đoàn cơ sở, nhiều DN đã quan tâm, nâng dần giá trị suất ăn giữa ca, nhằm bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho NLĐ. Có những DN tổ chức bữa ăn khá tốt (từ 15.000-45.000 đồng/suất), song ở nhiều DN, giá trị suất ăn giữa ca rất thấp, chỉ hơn 15.000 đồng/suất.

Phân tích nguyên nhân vì sao chất lượng suất ăn giữa ca còn thấp, nhiều ý kiến cho rằng một phần do DN chưa thực sự quan tâm chăm sóc NLĐ. Bên cạnh đó, chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể về bữa ăn ca của Công đoàn cơ sở còn hạn chế. Để cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca, các ngành, các cấp, đặc biệt là tổ chức Công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về ý nghĩa, tác dụng của bữa ăn giữa ca. Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở cần thường xuyên phối hợp với người sử dụng lao động tiến hành kiểm tra, giám sát quy trình chế biến thức ăn; nguyên liệu thực phẩm đầu để bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường đối thoại để bữa ăn ca của NLĐ thật sự có chất lượng.

Ở góc độ người sử dụng lao động, bà Trần Diệu Canh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Tân Thanh (TP Thủ Đức, TP HCM), khẳng định chất lượng bữa ăn giữa ca có vai trò quan trọng đối với sức khỏe NLĐ. Chất lượng bữa ăn giữa ca không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến năng suất lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Tân Thanh, suất ăn của NLĐ có giá 25.000 đồng/suất, riêng CN trực tiếp sản xuất có suất ăn 30.000 đồng/suất gồm đầy đủ các món mặn, xào, canh… Đặc biệt mỗi ngày đều có món thịt hoặc cá cho NLĐ tự chọn. Vào các ngày chay, bếp ăn luôn có món chay. "Không chỉ cung cấp bữa chính, DN còn chú trọng bữa ăn phụ cho NLĐ bằng sữa tươi hoặc sữa chua vào giờ nghỉ giải lao. Nỗ lực cải thiện bữa ăn giữa ca cũng là cách chăm sóc nguồn nhân lực" - bà Canh cho biết. Cũng xuất phát từ ý tưởng chăm sóc NLĐ như Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Tân Thanh, nhiều DN khác tại TP Thủ Đức, TP HCM đã tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ với chất lượng khá tốt như: Công ty TNHH Thép Đức Tùng (60.000 đồng/suất), Công ty TNHH Công nghệ Lê Vũ (50.000 đồng/suất), Công ty CP Bao bì Bình Minh (40.000 đồng/suất). 

Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM:

Đưa nội dung chất lượng bữa ăn giữa ca vào thỏa ước

Song song với công tác tuyên truyền về ý nghĩa bữa ăn giữa ca cho NLĐ và người sử dụng lao động, các cấp Công đoàn nên rà soát thống kê lại thực trạng bữa ăn ca theo từng nhóm để đưa ra các giải pháp cải thiện. Công đoàn cơ sở các DN cần tăng cường đối thoại, thương lượng, đưa nội dung nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể; phối hợp giám sát chất lượng bữa ăn hằng ngày để ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc. Công đoàn cấp trên cần nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong tổ chức bữa ăn giữa ca để các Công đoàn cơ sở tham quan, học tập lẫn nhau...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...