Tái định cư 8.000 hộ dân miền núi Quảng Nam trước năm 2026
Quảng Nam đã thực hiện chính sách sắp xếp dân cư miền núi lớn chưa từng có để ứng phó với hiểm họa động đất, sạt lở núi ngày càng nghiêm trọng.
Khu tái định cư Bằng La giúp các hộ dân Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam an cư, lạc nghiệp sau thảm họa sạt lở kinh hoàng năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Trong mùa mưa cuối năm 2024, địa bàn miền núi Quảng Nam đã xuất hiện những điểm sạt lở mới, bất thường, ngoài bản đồ dự báo thiên tai của tỉnh. Đến nay, đã có ít nhất 4 ngôi làng với gần 1.000 nhân khẩu di dời khẩn cấp. Từ năm 2011 đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã quan sát được hơn 4.500 trận động đất có độ lớn từ 0,5 đến 4,7 độ Richter tại thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc địa phận 2 huyện Nam, Bắc Trà My, Quảng Nam). Báo cáo của tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011 - 2020, cả tỉnh có hơn 100.000ha rừng bị mất và suy thoái do tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ…
Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, thiên tai không chỉ đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân miền núi, mà còn phá hủy nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Ông Hoàng Ngọc Tuấn - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây Nguyên nhận định, việc cắt đường dọc núi sẽ làm thay đổi độ dốc và các hệ thống thoát nước mưa dọc, ngang, đặc biệt là cống qua đường không đảm bảo. Nếu tính toán không kỹ, khả năng thoát nước không đảm bảo sẽ làm gia tăng nguy cơ sạt trượt. Để ứng phó với thiên tai, HĐND Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết 23/2021 về sắp xếp, bố trí dân cư miền núi với tổng nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng.
Nhiều năm về trước, người dân làng Ga’nil, xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam có thói quen sống biệt lập giữa rừng. Do nằm ở nơi xa xôi, sát biên giới Việt - Lào, đường đi cách trở nên ngôi làng không có đường bê tông, điện, trường học, thiếu thốn trăm bề. 3 tháng sau trận sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng, Nam Trà My (tháng 10.2020), khiến chị Hồ Thị Nan (dân tộc M’Nông) mất đi người thân và nhà cửa, cả gia đình đã được tái định cư về làng Bằng La, được Nhà nước cấp đất, đơn vị hảo tâm xây nhà. Đến nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay tích cực. Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh đã di dời gần 2.650 hộ dân, bố trí tập trung và xen ghép gần 1.200 hộ dân miền núi, chấm dứt cuộc sống du canh du cư, nỗi lo thiên tai, sạt lở không còn. Chính quyền cũng tạo kế sinh nhai để bà con có việc làm ổn định. “Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ tái định cư cho gần 8.000 hộ dân tại 9 huyện miền núi” - lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói.