A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại Hà Nội

Sau một thời gian diễn ra chiến dịch ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán kinh doanh cơ bản được xử lý. Tuy nhiên, đến nay tại nhiều địa phương, tình trạng vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, trật tự công cộng lại tái diễn.

Vi phạm trật tự đô thị diễn ra tại nhiều nơi

Thời gian gần đây, Ban Chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và thành phố về công tác đảm bảo trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 197 thành phố) đã đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè. Sau những ngày ra quân quyết liệt, ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, vỉa hè đã thông thoáng, sạch đẹp.

Tuy nhiên vẫn tồn tại những khu vực mà vỉa hè lại bị tái lấn chiếm, gây nên cảnh quan nhếch nhác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại quận Hoàng Mai, trên phố Đại Từ (phường Đại Kim), từ sáng sớm người buôn bán nhỏ, hàng rong đã đổ về tụ họp, kinh doanh, biến cả tuyến phố thành khu “chợ” bất đắc dĩ, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường khu vực.

Còn ở các tuyến đường Tam Trinh, Mai Động (phường Mai Động), cứ vào chiều tối là vỉa hè biến thành nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán hàng hóa…

Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại Hà Nội

Hiện nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán kinh doanh tại nhiều địa phương lại dần tái diễn

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, vi phạm trật tự đô thị diễn ra tại nhiều tuyến đường, nơi tập trung các cơ quan, công sở. Dọc tuyến đường Đồng Bông, Cốm Vòng, ngõ 15 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu), xe ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài ở cả hai chiều đường; vỉa hè và lề đường gần như bị các cửa hàng kinh doanh chiếm dụng khiến người đi bộ chỉ còn cách duy nhất là… đi xuống lòng đường.

Ở khu vực quận Bắc Từ Liêm, các tuyến phố Xuân La, Phạm Văn Đồng, Hoàng Công Chất, Xuân Đỉnh… thường xuyên là “điểm nóng” về tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…

Còn tại tại phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) nơi tập trung nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện và nhà ở, song các hàng quán tự phát, thi nhau chiếm dụng hai bên vỉa hè, lề đường. Người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, tham gia giao thông cùng ô tô, xe máy.

Đặc biệt vào giờ trưa, nhiều hàng ăn, quán bia, quán nước… lấn vỉa hè để làm nơi kê bàn ghế hoặc chỗ dựng xe máy phục vụ khách khiến con phố này luôn trong tình trạng tắc đường, kẹt cứng. Mặc cho các chỉ thị, kế hoạch tổng kiểm tra, thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cản trở người tham gia giao thông, gây ùn ứ cục bộ, vẫn chưa từng có dấu hiệu thuyên giảm trên tuyến phố này.

Hiến kế nhằm hạn chế tình trạng vi phạm

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, dù có nhiều chuyển biến về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, song chưa bền vững. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có cả nguyên nhân từ sự bất cập về hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Tại khu vực phố cổ, phố cũ, lòng đường và vỉa hè đều rất hẹp, nhiều tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Buồm, Bát Đàn… vỉa hè không đủ chỗ dựng xe máy; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh gần như không có, không đáp ứng được nhu cầu để xe của người dân. Mặt khác, lực lượng chức năng vẫn có tâm lý e ngại trong xử lý vi phạm, khi lâu nay vỉa hè, lòng đường là nơi mưu sinh của một bộ phận người dân.

Còn tại quận Cầu Giấy, theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Bùi Chí Thanh, do đặc thù địa bàn phường tập trung nhiều cơ quan, công sở, mật độ người và phương tiện giao thông luôn ở mức cao nên tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi dừng đỗ ô tô, chiếm hè phố phục vụ kinh doanh buôn bán, đi bộ tràn xuống lòng đường… thường xuyên diễn ra.

Tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại Hà Nội

Vỉa hè lại bị tái lấn chiếm, gây nên cảnh quan nhếch nhác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị

Trong khi đó, cán bộ quản lý trật tự đô thị phường quá mỏng, chỉ có 1 người duy nhất, lại phải kiêm nhiệm xử lý nhiều công việc cùng lúc. Lực lượng Công an phường cũng chỉ có 5-6 cán bộ phụ trách chung về trật tự đô thị và an toàn giao thông, do đó việc bố trí ứng trực thường xuyên để xử lý vi phạm là không thể.

“Để xử lý vấn đề này, trước tiên cần nâng cao ý thức chấp hành quy định của chính người dân. Nếu ai cũng giữ tâm lý coi vỉa hè trước nhà mình là “của riêng”, mặc sức bày biện theo nhu cầu thì cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ khó có hồi kết”, ông Bùi Chí Thanh nói.

Để giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhiều người dân đã đưa ra các phương án cụ thể. Theo đó, nếu muốn vừa giữ được vỉa hè, vừa bảo đảm sinh kế cho người dân, thành phố Hà Nội nên sớm nghiên cứu việc cho thuê vỉa hè tại các tuyến phố có vỉa hè rộng từ 5m trở lên. Khi đó, phần vỉa hè sẽ được kẻ vạch, một phần diện tích dành cho người đi bộ, phần còn lại cho phép kinh doanh một số mặt hàng theo quy định, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Nhìn từ góc độ quy hoạch đô thị, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề từ gốc, cần quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng vỉa hè ngay từ khi lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại từng tuyến đường, tuyến phố.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hè phố, có thể thiết kế vỉa hè gắn với hệ thống cây xanh, bồn hoa, vừa tạo cảnh quan đô thị, vừa ngăn cách tạo lối đi riêng dành cho người đi bộ, hạn chế tình trạng bày bán hàng hóa trên vỉa hè.

Lãnh đạo nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trât tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… trong thời gian này, đơn vị chức năng sẽ tập trung hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp kinh doanh trong khuôn viên cửa hàng, cửa hiệu, xếp phương tiện trước cửa hàng theo đúng quy định, thống nhất, đảm bảo mỹ quan đô thị. Tổ chức sắp xếp chợ hoa, chợ Tết… vừa đảm bảo nhu cầu mua bán của người dân, hạn chế thấp nhất những lệ luỵ đối với công tác quản lý trật tự đô thị, tình hình giao thông trong khu vực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết