A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức khoẻ người lao động phải là ưu tiên hàng đầu

Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, doanh nghiệp dệt may cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp, quy định về an toàn, vệ sinh lao động. 

Sức khoẻ người lao động phải là ưu tiên hàng đầu

Công nhân Công ty TNHH Crystal Martin (Bắc Giang) trong thời giờ làm việc. Ảnh: Bảo Hân

Nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ công nhân 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Thơ - Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, nhìn chung điều kiện làm việc của lao động ngành dệt may đã được cải thiện hơn so với giai đoạn trước. “Nơi làm việc có điều hoà, thiết bị hiện đại hơn, nhà xưởng khang trang hơn, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an toàn điện, ánh sáng, vệ sinh môi trường đã được chú ý, đầu tư. Việc sắp xếp lối đi lại được thực hiện theo các quy chuẩn; ý thức tuân thủ của người lao động đã được nâng cao” - ông Thơ đánh giá.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nguyên liệu mới nên các vấn đề hoá chất tồn dư cũng là một yếu tố tác động âm thầm đến sức khoẻ người lao động. Đây là nguy cơ rất lớn gây ra bệnh về hô hấp, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động… Bên cạnh đó, công nhân còn đối mặt với căng thẳng về tâm lý trong công việc. Không chỉ vậy, việc kéo dài thời gian, trong khi hầu hết tư thế làm việc gò bó dẫn đến các bệnh về cơ xương khớp… 

Đảm bảo môi trường làm việc an toàn 

Chị Nguyễn Thị H - công nhân trong một doanh nghiệp may tại tỉnh Bắc Giang làm ở bộ phận cắt chỉ - cho hay, theo quan sát của chị, môi trường làm việc tại công ty khá sạch sẽ, đảm bảo an toàn sức khoẻ. Trong nhà xưởng có quạt thông gió, giàn lạnh, đảm bảo môi trường thông thoáng. 

Công ty tuân thủ theo phương pháp 5S, nhà xưởng được dọn vệ sinh liên tục, nên chị cảm thấy khá yên tâm. Làm việc 10 năm nay,  sức khoẻ của chị vẫn bình thường. “Một năm công ty tổ chức khám sức khoẻ 3 lần. Những lần khám, tôi đều không mắc bệnh nghề nghiệp nào, sức khoẻ vẫn đảm bảo để làm việc” - chị H nói. 

Ông Nguyễn Văn Chí - Chủ tịch Công đoàn Công ty Crystal Martin (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, Hà Nội) - cho biết, môi trường làm việc luôn được tuân thủ theo nội quy, quy định của công ty. Hàng năm, công ty cũng tổ chức 2 lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho công nhân. Theo báo cáo của bộ phận y tế cho công đoàn cơ sở, nhiều năm nay, chưa có phát sinh trường hợp công nhân nào bị bệnh phổi, bệnh nghề nghiệp. “Cùng với đó, công ty có đội an toàn vệ sinh lao động thường xuyên kiểm tra về trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động của công nhân lao động” - ông Chí nói. 

Theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở này, tại các chuyền may, công nhân lao động thường phải chụp mũ, mặc áo ngoài, khẩu trang. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng kim của máy may bị gẫy, văng vào mắt, gây nguy hiểm cho công nhân lao động, công ty trang bị kính chắn kim tại mỗi máy. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May xuất khẩu Hà Bắc (Bắc Giang) - cho hay, công ty tiến hành nhiều giải pháp để hạn chế, tránh bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động. “Công ty mua bóng điện với giá thành đắt hơn để có ánh sáng phù hợp, không bị chói. Bên cạnh đó, công ty yêu cầu công nhân phải đảm bảo bảo hộ lao động. Hệ thống quạt gió hoạt động đảm bảo thông thoáng, hút bụi ra ngoài” - ông Hùng nói. 

Ngoài ra, công ty không dùng hoá chất trong quá trình sản xuất; định kỳ kiểm tra về độ ồn, bụi bẩn, nhiệt độ môi trường… để đảm bảo an toàn cho công nhân. Công nhân được đào tạo thường xuyên về bảo hộ lao động, tuân thủ các quy định về an toàn lao động. 

“Sức khoẻ người lao động là vốn quý. Công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giám sát về an toàn lao động cho người lao động” - ông Hùng cho biết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...