A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Nam chật vật lấp khoảng trống thiếu giáo viên

Thiếu gần 2.400 biên chế dù ngày khai giảng cận kề, ngành Giáo dục Quảng Nam đã linh hoạt tuyển giáo viên hợp đồng ngắn hạn để thay thế.

Liên tục thi tuyển vẫn thiếu

Trường THCS Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nhiều năm đối diện với tình trạng thiếu giáo viên (GV) trầm trọng. Năm học 2024 - 2025, trường có 10 lớp học với 386 học sinh, tăng thêm 1 lớp so với năm ngoái, còn thiếu 6 vị trí giáo viên đứng lớp, chưa kể cán bộ thư viện và văn thư.

Trường THCS Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam chật vật xoay sở vì thiếu giáo viên nhiều năm. Ảnh ĐVCC

Đội ngũ Trường THCS Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam nỗ lực gấp bội vì thiếu giáo viên nhiều năm. Ảnh ĐVCC

Thầy Nguyễn Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường đã hợp đồng ngắn hạn với 4 GV để bù vào vị trí thiếu hụt nhưng GV môn Tiếng Anh vẫn chưa tuyển được do đãi ngộ thấp. Hiện trường chỉ có 1 GV Tiếng Anh đang phải đảm nhiệm đến 10 lớp.

Chung nỗi trăn trở về bài toán thiếu GV, thầy Nguyễn Nguyên Bá - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Don, huyện Nam Trà My - cho rằng, dù đã có cơ chế linh hoạt để các trường chủ động hợp đồng ngắn hạn với GV bên ngoài, kể cả những người đã về hưu trở lại giảng dạy, nhưng đây chỉ là giải pháp “chữa cháy”.

Điều kiện học tập, giảng dạy tại địa bàn miền núi Quảng Nam còn khó khăn so với mặt bằng chung. Ảnh: Hoàng Bin

Điều kiện học tập, giảng dạy tại địa bàn miền núi Quảng Nam còn khó khăn so với mặt bằng chung. Ảnh: Hoàng Bin

“Nếu chỉ hợp đồng thời gian ngắn hạn thì rất khó thu hút GV. Bởi chế độ của GV hợp đồng hiện khá thấp, động viên GV lên núi làm việc mà không có sự đảm bảo gì là điều rất thiệt thòi.

Trước mắt, bên cạnh việc bố trí tăng tiết dạy đối các GV hiện có, thì giải pháp duy nhất là mời GV trong cùng khu vực miền núi dạy liên trường” – thầy Bá cho hay.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Quảng Nam, năm 2024 toàn ngành được giao tổng cộng 23.741 biên chế. Đến nay mới sử dụng 21.354 biên chế, còn đến 2.387 biên chế chưa sử dụng. Trong đó, tập trung phần lớn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS do các địa phương quản lý với 2.273 biên chế.

Cần xây dựng nguồn lực tại chỗ

Thiếu GV là bài toán nan giải đối với Quảng Nam khi nhiều năm qua liên tục tổ chức tuyển dụng nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam - cho hay, UBND tỉnh đã phân cấp về cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyển dụng GV mầm non, tiểu học, THCS. Thời gian qua, một số địa phương thực hiện tổ chức thi tuyển, nhưng số người đăng ký, nhất là các môn rất cần như: Tin học, Tiếng Anh không nhiều.

Để giải quyết bài toán thiếu GV, sở đã đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với GV công tác miền núi và được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thống nhất, giao Sở Nội vụ xây dựng đề án.

Giáo dục miền núi Quảng Nam “đỏ mắt” tìm GV, bởi điều kiện KTXH còn khó khăn. Ảnh Hoàng Bin

Giáo dục miền núi Quảng Nam “đỏ mắt” tìm GV bởi điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Ảnh: Hoàng Bin

Trao đổi với PV Lao động, ông Nguyễn Đăng Thuận -Trưởng Phòng GDĐT huyện Nam Trà My - cho biết, nhiều năm qua, huyện miền núi này luôn “đỏ mắt” tìm GV. Nguyên do hệ thống trường lớp nằm phân tán ở các thôn, nóc xa xôi, giao thông cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, GV trúng tuyển một thời gian lại xin về đồng bằng nên thiếu hụt triền miên.

“Cải thiện chế độ đãi ngộ với GV miền núi là điều rất cần thiết, nhất là với GV trẻ mới ra trường, hiện mức lương vẫn còn rất thấp. Bên cạnh đó, theo tôi, cần chú trọng xây dựng nguồn lực tại chỗ. Mới đây, huyện Nam Trà My đã đưa 33 học sinh học miền núi học cử tuyển, để giải quyết căn cơ bài toán thiếu GV miền núi” - ông Nguyễn Đăng Thuận nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết