A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển cộng đồng dân cư có tầm nhìn

TP HCM muốn phát triển thành một đô thị thông minh, hiện đại thì con người phải nâng cao tầm nhìn, từ việc cải thiện ý thức thông qua luật pháp, tiện ích, văn hóa…

Thành phố thông minh đang trở thành một xu hướng phát triển đô thị chủ đạo và nhận được nhiều sự quan tâm. Với một thành phố đa văn hóa vùng miền và giàu bản sắc riêng như TP HCM, nhất thiết phải có một cộng đồng dân cư đô thị có tầm nhìn và giàu bản sắc. Nói cách khác, người dân, chủ thể quan trọng, là nền tảng và đóng vai trò quyết định trong phát triển đô thị thông minh.

Sẵn sàng tiếp nhận, ứng dụng công nghệ

Sự biến động của khoa học - công nghệ không chỉ là sự xuất hiện và phát triển của những công nghệ mới mà còn có khả năng sử dụng và vận dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học - công nghệ để làm cuộc sống tốt hơn.

Cách đây khoảng 20 năm, khi máy tính bắt đầu chứng minh vai trò của nó trong cuộc sống, thì ở các thành phố lớn vẫn còn có người chưa muốn hoặc chưa đủ khả năng sử dụng công nghệ này. Chúng ta đã phải trải qua một thời gian dài để phổ cập máy tính cho nhiều người nhất có thể.

Sự biến động thứ hai là smartphone và bây giờ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công nghệ cao cũng dần tác động đến người dân. Cần phổ cập các thiết bị của công nghệ mới cho người dân như một chương trình đại trà. Trước mắt và thông dụng nhất chính là các phần mềm trên điện thoại thông minh, phổ cập để người dân có thể sử dụng các công nghệ, các thiết bị thông minh ở mức cơ bản với các phần mềm tích hợp liên quan đến thủ tục hành chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Để làm được điều này, thành phố có thể thử nghiệm phổ cập smartphone cho người dân với mức giá rẻ, dễ tiếp cận, dễ trả góp. Kết hợp với các doanh nghiệp về công nghệ, điện thoại… xây dựng chương trình các bên cùng có lợi, với mục đích mọi người đều có smartphone để tiếp cận các công nghệ mới. Từ đó tạo dựng một cộng đồng sẵn sàng tiếp nhận các thành tựu công nghệ, sẵn sàng học tập và ứng dụng thành tựu công nghệ.

Phát triển cộng đồng dân cư có tầm nhìn - Ảnh 1.

TP HCM đang phấn đấu sớm trở thành một đô thị thông minh, hiện đạiẢnh: Hoàng Triều

Xây dựng tầm nhìn từ ý thức

Càng hiện đại, các đô thị càng phải đối mặt với các vấn đề như sự tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm môi trường, ùn tắc… Tất cả các vấn đề đó đều sẽ giảm đáng kể nếu như phần lớn người dân có ý thức.

TP HCM muốn phát triển thành một đô thị thông minh, hiện đại thì con người cũng phải nâng cao tầm nhìn, từ việc cải thiện ý thức. Thực tế nếu áp dụng công nghệ với dữ liệu lớn sẽ quản lý tốt hơn về nhân khẩu, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, giảm phiền toái cho người dân. Dần dần, ý thức con người sẽ được cải thiện bằng nhiều con đường, trong đó có luật pháp, tiện ích và văn hóa.

Có thể thực hiện các giải pháp này theo các hướng: Dùng luật pháp nghiêm minh để phạt thật nặng các hành vi vi phạm; song song đó giáo dục thế hệ trẻ xây dựng con người mới; tạo dựng một cộng đồng dân cư có ý thức và chung tay phát triển cho không gian sống.

Đó là học tập cách làm của một quốc gia có diện tích chỉ bằng một thành phố (Singapore) và họ đã thành công, trở thành mô hình xây dựng cộng đồng trong phát triển đô thị, đặc biệt là xu thế phát triển đô thị thông minh. Với TP HCM, có thể phát triển xây dựng cộng đồng bằng cách gia tăng giá trị của chính cộng đồng dân cư đó, tạo ra một cộng đồng có tầm nhìn và giàu bản sắc văn hóa.

Cụ thể, tăng cường phổ cập kiến thức về mục tiêu phát triển đô thị cho người dân ở nhiều lứa tuổi và thành phần. Khi có nhận thức, người dân sẽ dần hình thành tầm nhìn và cách thức để tham gia vào quá trình phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức các chương trình nâng cao ý thức của người dân trước các vấn đề tồn tại và thách thức như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông… Tăng cường sự tiếp cận công nghệ của các nhóm đối tượng như người nghèo, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội, để công nghệ thông minh có nền tảng định hướng trong suy nghĩ của toàn bộ người dân, nhất là trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu cho người dân như ngân hàng số, dịch vụ công.

Ngoài ra, đào tạo một thế hệ có tầm nhìn về đô thị thông minh, cùng chung tay phát triển đô thị; thành thạo và phổ cập công nghệ thông tin, không chỉ thuần túy kiến thức mà còn phát triển sáng tạo, sáng kiến phục vụ cuộc sống và giải quyết các bài toán xã hội. Nâng cao năng lực cộng đồng, phát triển thương hiệu thành phố giàu bản sắc vùng miền; ứng dụng công nghệ cao để giới thiệu hình ảnh cộng đồng dân cư với nét văn hóa đặc trưng.

Mời gửi bài dự thi

Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước;3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?

Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.

Cuộc thi nhận bài tham dự đến ngày 28-7-2022.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...