Phải đi xuống nhà trọ để thấy công nhân khổ cỡ nào
Doanh nghiệp vẫn luôn nói người lao động là vốn quý của doanh nghiệp nhưng khi đụng đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì ông chủ nào cũng kỳ kèo “bớt 1, bớt 2”.
"Các chủ doanh nghiệp cần đi xuống các khu nhà trọ để thấy được tình cảnh của người công nhân, chứ đừng ngồi trong phòng máy lạnh để đưa ra lý do lùi thời điểm tăng lương tối thiểu" - ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động liên quan tới việc 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu.
ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia
* Thưa ông, 6% là mức tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp năm 2022 vừa được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt để trình Chính phủ xem xét quyết định. Tuy vậy, cho rằng doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do dịch COVID-19 tương tự như người lao động, 8 Hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2023 thay vì từ tháng 7-2022. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Đã 2 năm qua Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu, người lao động cũng đã rất hiểu và chia sẻ với Chính phủ và doanh nghiệp bởi những khó khăn do tác động của đại dịch. Nhưng trong thời điểm hiện nay thì người lao động cũng đã quá khổ rồi, hết sức chịu đựng.
Hồi tháng 9, tháng 10.2021, khi dịch tạm thời ổn định thì hàng triệu người lao động đã bỏ TPHCM để về quê, qua 4 tháng phong toả họ không còn tiền tích luỹ, đã quá khó khăn, không về quê thì không thể tồn tại được và bây giờ cũng rất nhiều người chưa trở lại. Những người có thể trụ lại cũng đã cạn kiệt.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 200.000 lượt người đã rút bảo hiểm xã hội một lần bởi họ không còn nguồn nào khác tích luỹ để giải quyết khó khăn. Trong đại dịch này, người lao động phải chi thêm nhiều chi phí cho phòng chống dịch, chữa trị COVID-19, thậm chí là hậu quả hậu COVID-19 kéo dài. Người lao động cũng rất cần, nếu chúng ta không điều chỉnh thì họ sống như thế nào? Chúng ta có chăm lo cho người lao động tốt thì người ta mới gắn bó với doanh nghiệp, tận tâm tận lực cho doanh nghiệp. Trong tình trạng rất nhiều doanh nghiệp khát lao động thì tại sao không giữ chân, chăm lo đời sống cho người lao động?
Đời sống khó khăn khiến bữa ăn công nhân ngày càng teo tóp
Doanh nghiệp vẫn luôn nói người lao động là vốn quý của doanh nghiệp nhưng khi đụng đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì ông chủ nào cũng kỳ kèo "bớt 1, bớt 2". Tại sao vậy? Tại sao chỉ lo tới túi của doanh nghiệp mà chưa thực sự quan tâm tới đời sống quá khổ cực của người lao động? Các ông chủ phải đi xuống các khu nhà trọ để thấy được tình cảnh của người công nhân chứ đừng ngồi trong phòng máy lạnh để đưa ra lý do không thuyết phục.
Thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho phép doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh làm thêm giờ, người lao động cũng có nhu cầu này bởi nếu chỉ làm 8 tiếng ở doanh nghiệp thì họ không thể sống nổi. Điều này để thấy rằng là người công nhân đã hết sức bức bách. Việc tăng lương tối thiểu như một nguồn nước mát đến với người lao động để họ cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đừng đẩy người lao động vào con đường cùng!
* Theo ông, mức điều chỉnh 6% đã là hợp lý hay chưa?
Trước khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia công bố đề xuất mức đề xuất điều chỉnh lên Chính phủ, tôi cho rằng tỉ trọng điều chỉnh lần này phải từ 10% trở lên. Bởi, chỉ số trượt giá tăng 4% theo Nghị quyết của Quốc hội, như vậy 2 năm là 8%, cộng thêm tỉ lệ % do tăng năng suất lao động thì con số tăng 10% mới có thể đáp ứng được. Vì thế, việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng 6% thì đã có sự chia sẻ với doanh nghiệp. Mức 6% tuy chưa thể đáp ứng được mức tối thiểu nhưng cũng đã tạm thời đáp ứng được một phần cuộc sống của người lao động. Vì thế, tôi rất mong Chính phủ sẽ thông qua đề xuất tăng 6% lương tối thiểu từ tháng 7.2022.