Phái cử lao động không vì mục tiêu lợi nhuận
Để có nhân công, nhiều nước đã đài thọ toàn bộ hoặc một phần chi phí nhằm thu hút, giảm áp lực tài chính cho lao động Việt Nam sang làm việc
Phái cử lao động chất lượng cao, việc làm tốt, thu nhập cao tại các nước phát phát triển cùng xu hướng phi lợi nhuận để hợp tác bền vững đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nỗ lực đẩy mạnh dành cho người lao động (NLĐ). Hiện có một số chương trình đã thực hiện, tuy quy mô chưa tương xứng nhưng đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi những rào cản về chi phí đã được gỡ bỏ cho NLĐ.
Trút được gánh nặng
Lê Thị Huệ (26 tuổi, quê Lâm Đồng) và Đặng Thị Hồng Tâm (27 tuổi, quê Quảng Bình) đều sang Đức vào tháng 2-2022 theo 2 chương trình khác nhau. Huệ tham gia dự án "Hand in Hand for International Talents" và hiện làm việc trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn tại Đức.
Dự án được phía Đức tài trợ nên Huệ không tốn bất cứ chi phí nào cho đến khi được bay sang Đức làm việc. Huệ cho hay khi biết đến dự án như trút được gánh nặng luôn đè nén mình bấy lâu, đó là chi phí. "Tôi đã tìm hiểu rất nhiều chương trình sang Đức, từ học nghề đến làm việc nhưng ở đâu cũng báo một khoản phí vượt ngoài khả năng của tôi. Dự án đã trả toàn bộ chi phí học tiếng Đức đến trình độ B1, dịch thuật hồ sơ, lệ phí công nhận văn bằng và xin thị thực" - Huệ nói. Trong quá trình tham gia dự án Huệ cũng rất lo lắng. Nhưng mọi thứ khá suôn sẻ nhờ sự giúp sức nhiệt tình của các anh chị trong dự án. Cũng nhờ sự hỗ trợ này mà buổi phỏng vấn với doanh nghiệp tiếp nhận Huệ làm việc đã thành công ngoài mong đợi.
Nhiều lao động trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại Đức thông qua hội thảo do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức
Trong khi đó, đang vừa học vừa làm tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với vai trò điều dưỡng, Tâm tham gia dự án "Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức" từ năm 2020. Tâm cho biết dự án chi trả toàn bộ chi phí, lệ phí cho ứng viên trong suốt quá trình học tiếng Đức tại Việt Nam và được bố trí ở nội trú miễn phí tại địa điểm đào tạo của dự án.
Ngoài ra, ứng viên còn được hỗ trợ thêm 36 euro/tháng (hơn 900.000 đồng) tiền ăn. Phí khám sức khỏe, visa và vé máy bay cũng được phía Đức đài thọ 100%. "Đây là chương trình nhân văn vì chủ sử dụng lao động bỏ tiền ra đào tạo để có nhân lực làm việc, trong khi đó ứng viên tham gia dự án sang Đức làm việc có trách nhiệm của mình bởi công sức mà dự án bỏ ra không hề nhỏ. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng học tập và sớm tốt nghiệp để làm việc lâu dài tại Đức" - Tâm bày tỏ.
Phối hợp, giám sát chặt chẽ
Một chương trình khác cũng hoàn toàn phi lợi nhuận đang được NLĐ quan tâm, đó là chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (chương trình EPA), được thực hiện từ năm 2012 đến nay.
Các ứng viên tham gia chương trình này được đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở, học tập và sinh hoạt trong thời gian tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật 12 tháng tại Việt Nam; được đài thọ chi phí vé máy bay, lệ phí visa sang Nhật Bản, vé máy bay về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình. Ngoài ra, NLĐ còn có cơ hội tham dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng và hộ lý để được phép ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan) cũng phi lợi nhuận khi mức phí NLĐ bỏ ra chỉ hơn 3 triệu đồng. Tham gia chương trình này, NLĐ sẽ được đào tạo tại cơ sở, sau đó xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng 3 năm với mức lương khá cao. Đặc biệt, khi NLĐ về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ 600.000 yen (khoảng 120 triệu đồng) để khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab; thuộc Bộ LĐ-TB-XH), cho biết các chương trình phi lợi nhuận được thực hiện minh bạch, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ Việt Nam khi có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Các chương trình này được tổ chức kỹ lưỡng khi có sự phối hợp giữa các cơ quan của bộ. Như chương trình "Hand in Hand for International Talents" được Cơ quan Lao động Liên bang Đức, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab; thuộc Bộ LĐ-TB-XH), chương trình IM Japan cũng do Colab thực hiện.
Hai chương trình EPA và "Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt Nam trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức" cũng được phối hợp giữa các cơ quan của Đức, Nhật Bản với Colab. "Ngoài ra, chương trình EPS sang Hàn Quốc làm việc cũng không vì mục tiêu lợi nhuận. Tất cả các chương trình phái cử lao động này đều được giám sát chặt chẽ cũng như thực hiện đầy đủ cam kết với các đối tác các nước nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của NLĐ" - ông Liêm nói.