A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều cơ hội việc làm đầu năm

Thị trường lao động sôi động trở lại, doanh nghiệp chủ động "săn" người nhưng tâm lý người lao động có xu hướng tìm việc ngắn hạn

Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) không chỉ rốt ráo tuyển dụng lao động thời vụ phục vụ Tết Nguyên đán mà còn tích cực tìm kiếm nhân sự cho kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Đa dạng vị trí

Bà Đặng Lê Cẩm Nhung, Giám sát tuyển dụng Công ty CP Takahiro (sở hữu chuỗi nhà hàng ẩm thực; quận 1, TP HCM), cho biết DN đang có nhu cầu tuyển 200 vị trí. Năm 2023, công ty mở thêm 20 chi nhánh mới, nâng tổng số nhà hàng lên hơn 50, do đó nhu cầu tuyển nhân sự rất lớn.

Quân nhân chuẩn bị xuất ngũ tìm việc tại một ngày hội việc làm, tổ chức tháng 12-2023 tại TP HCM

Quân nhân chuẩn bị xuất ngũ tìm việc tại một ngày hội việc làm, tổ chức tháng 12-2023 tại TP HCM

Với lao động làm thời vụ dịp Tết, mức lương dự kiến 50.000 - 90.000 đồng/giờ, thời gian làm từ 23 âm lịch tới mùng 10 Tết (từ ngày 2 đến 19-2). "Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh năm 2024, DN vẫn nỗ lực tìm kiếm các nhân sự làm việc toàn thời gian, lâu dài, nhất là vị trí bếp chính. Ứng viên phỏng vấn thành công sẽ được nhận vào làm ngay" - bà Nhung khẳng định.

Bà Phan Nguyễn Huyền Trâm, Phó Giám đốc phòng tuyển dụng khối nhân sự, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM), cho hay DN tập trung tuyển nhân viên (NV) cho các vị trí an ninh, vận hành máy, lễ tân và kỹ thuật. Mỗi vị trí nhu cầu không dưới 30 người. Tùy theo công việc, sẽ có yêu cầu khác nhau, chẳng hạn NV kỹ thuật cần có chuyên ngành về điện, hoặc đã có kinh nghiệm làm bảo trì tòa nhà. Trong khi vị trí lễ tân phải biết tiếng Anh cơ bản, vi tính văn phòng và tính cách thân thiện, dễ gần.

Thay vì tuyển lao động toàn thời gian, trả lương theo tháng thì có DN áp dụng hình thức đối tác. Ông Ngô Hữu Hiền, đại diện Viện Máy tính (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho biết hiện công ty đang tìm 1.000 kỹ thuật viên sửa chữa máy tính. Đối với người đã có kinh nghiệm, DN có thể đề xuất ký hợp đồng đối tác, hỗ trợ họ kinh doanh tại nhà. Với ứng viên chưa có kinh nghiệm, sẽ học việc, có phụ cấp chi phí đi lại, ăn uống. Sau quá trình đào tạo, ứng viên đủ năng lực sẽ được nhận vào làm. "Năm nay, chúng tôi lên kế hoạch ra mắt cơ sở mới, đồng thời phát triển mô hình xe cấp cứu dữ liệu đến tận nhà khách hàng. Vì thế, công ty bắt buộc phải chuẩn bị nhân lực từ bây giờ" - ông Hiền nói thêm.

Ưu tiên công việc thời vụ

Thị trường lao động "ấm" dần lên, nhiều cơ hội việc làm mở ra, song tâm lý một bộ phận người lao động vẫn chần chừ ứng tuyển. Chưa tới một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, nên nhiều người thất nghiệp chỉ muốn tìm việc làm tạm thời, hy vọng sang năm có cơ hội tốt hơn.

Anh Bùi Quang Khoa (25 tuổi, quê Vĩnh Long) vừa nghỉ việc tại một công ty xây dựng (trụ sở TP HCM) sau 3 năm gắn bó. Dù lo lắng khi mất thưởng Tết, thu nhập giảm nhưng anh dự tính đi làm bán thời gian. "Mấy năm đi làm đều sát Tết mới về quê nên năm nay tôi dự tính về sớm hơn. Do đó, tôi muốn tìm việc làm trả lương theo ngày hoặc tuần để chủ động kế hoạch nghỉ Tết" - anh Khoa bày tỏ.

Theo bà Đoàn Thị Tường Vy, Giám đốc điều hành Jod Việt Nam - nền tảng kết nối việc làm thời vụ (quận Phú Nhuận), từ tháng 10, đơn đặt hàng từ các đối tác về nhân sự thời vụ ngày càng tăng, chủ yếu trong ngành bán lẻ, logistics... Để tìm người, ngoài mở rộng các kênh tuyển dụng trực tuyến, Jod Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động tuyển trực tiếp tại các trường đại học. "Mức lương cho lao động thời vụ từ 25.000 - 30.000 đồng/giờ. Nếu rơi vào dịp lễ, Tết sẽ tăng thêm ít nhất 20%, ngoài ra còn có các khoản thưởng thêm khác. Công việc đơn giản nhưng người lao động cũng cần phải có sự chú tâm, đầu tư tìm hiểu về sản phẩm, để nhanh chóng thạo việc" - bà Vy nói.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết nhu cầu tuyển lao động thời vụ, bán thời gian gia tăng với nhiều vị trí như: công nhân sản xuất, NV bán hàng, kinh doanh, giao hàng, đóng gói, phục vụ... Giai đoạn Tết, thành phố ước tính cần khoảng 25.000 - 29.000 lao động, chiếm đa số là khu vực thương mại - dịch vụ với gần 70%.

Qua khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP HCM, trong quý I/2024, thành phố cần khoảng 77.500 - 86.000 lao động. Trong đó, nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm đa số, với nhu cầu các ngành cụ thể như: thương mại (23,4%); dịch vụ thông tin tư vấn - khoa học công nghệ (8,07%); kinh doanh tài sản bất động sản (6,45%); tài chính - tín dụng - ngân hàng bảo hiểm (5,62%); du lịch (4,72%). Nếu chia theo trình độ, không có nhiều sự chênh lệch giữa nhu cầu về lao động trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học (đều trên 20%), lao động phổ thông chiếm 13%. 

Người thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động (giảm 14.600 người so với năm trước). Riêng trong quý IV/2023, vùng Đông Nam Bộ không còn dẫn đầu về tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, chỉ chiếm 2,67% (giảm 0,41% so với quý trước); TP HCM là 2,91% (giảm 0,78% so với quý trước).

Đánh giá về thị trường lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng các chỉ số về lực lượng lao động, tỉ lệ thất nghiệp, người qua đào tạo và có việc làm cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nhìn chung, thanh niên thất nghiệp vẫn còn ở mức cao. Do đó, trong năm 2024, ngoài ổn định, phát triển thị trường lao động, bộ sẽ thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo hiểm, tiền lương và hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.

 


Tác giả: Bài và ảnh: MÂY TRINH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết