Nghịch lý Omicron: Phòng dịch càng chặt, số ca mắc càng cao?
Miễn dịch được tạo ra sau khi mắc Covid-19 hoặc tiêm chủng là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh, điều này giúp lý giải nguyên nhân một số quốc gia ngăn chặn các đợt bùng dịch (như từ Omicron) tốt hơn những nơi khác.
Nguyên nhân chính của đợt gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 mới nhất gần đây là do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2 của Omicron từ giáng sinh năm ngoái.
Số ca mắc tăng nhanh ở những khu vực từng kiểm soát tốt dịch bệnh như New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Tỉ lệ ca mắc ở những nơi này vượt xa tỉ lệ ca mắc ở nhiều nước châu Âu trong giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất.
Nói cách khác, những nước từng theo đuổi chiến lược "không Covid-19" đang chứng kiến số ca bệnh tăng nhanh, kể cả khi họ có tỉ lệ bao phủ vắc-xin tốt. Việc ít có ca lây nhiễm trước đây khiến miễn dịch cộng đồng của họ không cao.
Khống chế bây giờ là lây nhiễm sau này?
Theo đài CNA, trước khi có phương pháp điều trị và vắc-xin ngừa Covid-19, nhiều nơi áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly để làm giảm số ca mắc, tử vong cũng như áp lực lên lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, yếu tố kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả nhất là khả năng miễn dịch do nhiễm bệnh hoặc tiêm phòng. Việc chấm dứt đại dịch ở bất kỳ quốc gia nào có vẻ phụ thuộc vào tỉ lệ người đã mắc Covid-19 chứ không chỉ tỉ lệ người tiêm chủng.
Trên thực tế, những người được tiêm chủng mắc Covid-19 giúp tăng khả năng miễn dịch của họ lên mức cao hơn. Trong khi đó, khả năng miễn dịch sau khi mắc Covid-19 mang lại sự bảo vệ tốt hơn để chống lại nguy cơ nhiễm bệnh trong tương lai so với khả năng miễn dịch từ tiêm liều vắc-xin tăng cường, đặc biệt là sau 90 ngày kể từ khi được tiêm chủng.
Tại Anh, dù có tỉ lệ tiêm chủng rất tốt nhưng hiện nay đa số người dân cũng đã mắc Covid-19 và nhiều người đã tái nhiễm. Ảnh: Reuters
Điều này giúp lý giải việc một số quốc gia đang kiểm soát các đợt bùng dịch tốt hơn những nơi khác. Tại Anh, dù có tỉ lệ tiêm chủng rất tốt nhưng hiện nay đa số người dân cũng đã mắc Covid-19 và nhiều người đã tái nhiễm. Số ca mắc tại Anh cao nhưng không cao như ở một số khu vực khác trong khi tỉ lệ tử vong và ca nặng vẫn ở mức tương đối thấp.
Vắc-xin vẫn tạo ra sự khác biệt
Với tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao và chương trình tiêm tăng cường gần đây, New Zealand chứng kiến số ca mắc tăng nhưng số ca tử vong ít. Trái lại, Hồng Kông đã chứng kiến nhiều trường hợp tử vong hơn trong 4 tuần tính đến ngày 18-3, cao gấp 38 lần ở New Zealand.
Sự khác biệt là do các chiến dịch tiêm chủng ở hai nơi này. Ở Hồng Kông, ít nhất là cho đến cuối tháng 2, tỉ lệ sử dụng liều vắc-xin tăng cường thấp hơn nhiều so với ở New Zealand và đặc biệt thấp ở các nhóm đối tượng cao tuổi, dễ bị tổn thương. Thậm chí, liều thứ 2 cũng thấp hơn ở những nhóm này, đồng nghĩa với việc có nhiều người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao.
Theo ông Paul Hunter, giáo sư Y khoa tại Trường ĐH East Anglia (Anh), một số bằng chứng mới vẫn đang chờ các nhà khoa học khác xem xét cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ bệnh nặng của vắc-xin cũng giảm dần theo thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc ngăn chặn các ca mắc Covid-19 có thể dẫn đến kịch bản người dân mắc bệnh sau này dễ trở nặng hơn.
Chuyên gia này khuyến cáo cần phải tập trung vào việc ngăn nguy cơ bệnh nặng ở nhóm người cao tuổi và dễ tổn thương, có thể thông qua tiêm tăng cường hoặc sử dụng thuốc kháng virus, hơn là cố ngăn ca nhiễm trong cộng đồng.