Mê làm thiện nguyện
Những giọt nước mắt hạnh phúc của các hoàn cảnh khó khăn khi được giúp đỡ, càng thôi thúc anh phải nỗ lực nhiều hơn trên con đường thiện nguyện
Đó là chia sẻ của anh Trần Ngọc Hòa, sinh năm 1985, cư ngụ ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Lớn lên trong gia đình nghèo, sau hơn mười năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, khi trở về nước có cuộc sống tốt hơn anh Hòa đã lập tức nghĩ ngay đến việc trợ giúp những người gặp khó.
Đó là một phần cuộc sống
Anh Hòa cho biết mặc dù mới bén duyên với hoạt động thiện nguyện khoảng 4 năm nhưng anh đã xem việc làm này như một phần cuộc sống hằng ngày của mình. Mỗi ngày, sau những giờ lo toan cho công việc kinh doanh, tranh thủ lúc rảnh, anh Hòa lại tìm đến với những hoàn cảnh khó khăn...
Với những người chạy ăn từng bữa, anh thường giúp đỡ bằng hình thức tặng gạo, nhu yếu phẩm hoặc gửi tiền mặt để họ có thể trang trải cuộc sống trong những lúc thắt ngặt. Còn riêng những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo không có tiền chạy chữa, anh sẽ hỗ trợ kinh phí để lo tiền thuốc và khám chữa bệnh. Có những trường hợp bị bệnh nặng được anh hỗ trợ nhiều nhất lên đến vài chục triệu đồng, người bị bệnh nhẹ cũng vài triệu.
Đối với anh Hòa, những hoàn cảnh khó khăn có duyên được gặp anh và được anh giúp đỡ, bản thân anh luôn xem họ như những người thân trong gia đình, anh sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của mình. Có những trường hợp bệnh nặng chẳng may qua đời anh còn hỗ trợ tiền mai táng cho gia đình. Đặc biệt, anh còn phối hợp với một cơ sở mai táng ở xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc xây dựng một nhà quàn để có nơi tổ chức lễ tang cho các trường hợp không có nhà ở hoặc ở trọ sau khi mất.
Hiện mỗi tháng anh Hòa hỗ trợ thường xuyên cho hơn mười trường hợp là những cụ già neo đơn và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để có đủ kinh phí duy trì các hoạt động thiện nguyện trong suốt thời gian qua, một phần anh trích từ lợi nhuận trong công việc kinh doanh online của mình, phần còn lại là sự ủng hộ, đóng góp của bạn bè, người thân.
"Cũng chính vì được bạn bè, người thân ủng hộ và nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của các hoàn cảnh khó khăn mỗi khi được giúp đỡ càng thôi thúc tôi nỗ lực nhiều hơn trên con đường thiện nguyện của chính mình, mang một nguồn năng lượng tích cực đến với các mảnh đời thiếu may mắn trong cuộc sống" - anh Hòa chia sẻ.
"Chú Hòa đã đến bằng cả tấm lòng"
Tôi có dịp được anh Hòa dẫn đến thăm hỏi trực tiếp hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1972 ở khóm Hòa Khánh, phường 2, TP Sa Đéc. Anh Thành đang phải từng ngày chống chọi với căn bệnh suy thận, do không có tiền chạy chữa, hiện bệnh đã chuyển biến nặng khiến hai chân bị phình to nhưng hằng ngày phải đi bán vé số để mưu sinh.
Khi được hỏi về việc giúp đỡ của anh Hòa dành cho mình, ông Thành xúc động nói: "Chú Hòa thường xuyên tới lui thăm hỏi rồi cho gạo, nhu yếu phẩm và tiền để trang trải cuộc sống, bản thân tôi cảm thấy rất vui và mang ơn sự giúp đỡ của chú ấy dành cho mình. Chú ấy đã đến với hoàn cảnh khó khăn của tôi bằng cả tấm lòng".
Tương tự, bà Hồ Thị Hà, 63 tuổi ở khóm Hòa Khánh, phường 2, TP Sa Đéc cũng mưu sinh bằng nghề bán vé số và phải nuôi một người con bị bệnh tâm thần. Bà Hà cũng xúc động cho biết: "Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của chú Hòa nên đã phần nào giúp tôi cảm thấy đỡ khổ, đỡ tủi thân. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của chú Hòa dành cho gia đình".
Anh Trần Ngọc Hòa tại buổi lễ trao quà cây mùa xuân cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2023
Xung kích giúp người trong dịch bệnh
Nhớ lại khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành dữ dội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, TP Sa Đéc là địa phương xuất hiện ca bệnh đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Với tâm niệm, hỗ trợ phần nào cho những hoàn cảnh ngặt nghèo, cùng với chính quyền địa phương, anh Hòa không ngại vất vả, nguy hiểm hăng hái tham gia vào đội xung kích Hội Chữ thập đỏ TP Sa Đéc.
Từ đây, những chuyến hàng đầy ắp tình yêu thương và san sẻ đã đến với bà con ở những khu vực bị phong tỏa, không chỉ tạo nên những hình ảnh đẹp trong mùa dịch đến với cộng đồng và xã hội mà còn góp phần chung tay cùng với chính quyền thành phố sớm đẩy lùi đại dịch.
Khi dịch được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, trong một lần nhìn thấy các cụ già và người khuyết tật nhưng phải vất vả đi bán từng tờ vé số để mưu sinh đã khiến anh Hòa nảy sinh ra một ý tưởng mới là thu mua vé số của những cụ già, người bị bệnh tật sau đó đăng bán lại trên trang Facebook, Zalo của mình kêu gọi bạn bè mua ủng hộ.
Do từng có khoảng thời gian dài đi lao động tại Hàn Quốc nên hiện các trang mạng xã hội của anh như: Facebook, Zalo có rất nhiều bạn bè đang làm việc bên đó nên mỗi khi được anh kêu gọi mua vé số để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, mọi người ủng hộ rất nhiệt tình. Có ngày anh thu gom nhiều nhất cũng khoảng 400-500 tờ, ít nhất cũng vài chục đến 100 tờ, tiền lời từ công việc này anh đem giúp các hoàn cảnh khó khăn khác.
Anh Trần Ngọc Hòa (đứng bên trái) tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn
Anh Hòa trao hỗ trợ kinh phí mai táng cho gia đình nghèo có người thân qua đời
Được địa phương ghi nhận, biểu dương
Những việc làm của anh Hòa theo đó đã được các cấp chính quyền ghi nhận. Anh được tặng nhiều giấy khen của UBND TP Sa Đéc và UBND xã Tân Khánh Đông về những cống hiến và việc làm ý nghĩa dành cho xã hội.
Nói về những việc làm của anh Hòa dành cho địa phương trong những năm qua, bà Võ Thị Hồng Nhạn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc - cho biết: "Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, anh Hòa luôn hỗ trợ địa phương từ 50 phần quà trở lên để trao tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Anh Trần Ngọc Hòa còn thường xuyên kêu gọi bạn bè và người thân hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cho người neo đơn, bệnh tật. Việc làm của anh Hòa không chỉ làm ấm lòng nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, những việc làm của anh cần được duy trì và lan tỏa".
Tại địa phương vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, vất vả kiếm sống hay nhọc nhằn chống chọi với bệnh tật. Nhờ có sự đồng lòng, giúp sức của xã hội, đặc biệt là những tấm lòng thơm thảo như anh Hòa đã tiếp thêm động lực để họ vượt khó, thêm nghị lực, thấu hiểu về tình người. Riêng những người làm công tác thiện nguyện như anh Hòa luôn được xã hội trân quý và được ví như những bông hoa giữa đời thường.
"Họ vui, tôi cũng vui theo"
Cứ như thế, ngày này qua tháng nọ, anh Trần Ngọc Hòa đã trở thành điểm tựa cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Tâm sự với tôi, anh Hòa nói vui: "Tôi làm thiện nguyện mấy năm nay, một phần chắc cũng vì do đam mê còn một phần do cái nghiệp. Lâu lâu mà không đi làm thiện nguyện là tôi cảm thấy khó chịu trong người, thậm chí bị bệnh luôn, nên hễ có điều kiện, có thời gian là tôi lại đi hỗ trợ mọi người, ai cần gì giúp nấy. Họ vui tôi cũng vui theo".