Lao động về nước khó tìm việc: Cần cơ chế kết nối
Các chuyên gia lao động cho rằng ngoài cơ chế hỗ trợ người lao động về nước, việc lập một ngân hàng dữ liệu để quản lý và tận dụng nguồn lực này là rất quan trọn
Đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc là một chủ trương lớn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp nhiều người thoát nghèo và quan trọng hơn là có nghề nghiệp cho bản thân. Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng, nhiều NLĐ trở về không tìm được việc làm phù hợp dù có kỹ năng, kinh nghiệm.
Lao động kỹ thuật được ưa chuộng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) - nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… - rất cần những lao động có kỹ năng từ nước ngoài trở về. Thế nhưng, DN và NLĐ lại khó gặp nhau. Nguyên nhân được các chuyên gia lao động - việc làm đưa ra là việc thiếu kết nối giữa DN và NLĐ.
Là cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) nỗ lực tổ chức các phiên giao dịch việc làm cả trực tiếp lẫn trực tuyến dành cho NLĐ từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Bà Vũ Thị Thuận, Phó Phòng Tuyển chọn lao động Colab, cho biết trên cổng thông tin điện tử của trung tâm, đơn vị này dành hẳn 2 mục để NLĐ và DN có nhu cầu tuyển lao động về nước vào đăng ký. Sau khi có thông tin, Colab sẽ chủ động kết nối để hai bên gặp nhau trong những phiên giao dịch việc làm.
Các thực tập sinh về nước đang làm việc tại Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM)
Theo bà Thuận, với số lượng lao động về nước mỗi năm khá lớn, nỗ lực của Colab cũng chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu tuyển dụng. Nhiều DN FDI, DN trong nước rất chuộng lao động về nước, đặc biệt là khối ngành kỹ thuật. "NLĐ về nước có hai ưu thế: Thạo việc và biết ngoại ngữ. Vì thế, họ sớm thích nghi với công việc tại DN có nhu cầu tuyển dụng. Đây là nguồn lao động chất lượng cao cần được quan tâm trong bối cảnh nước ta vực dậy nền kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát" - bà Thuận nhấn mạnh.
Ở một số địa phương, nhiều DN có những chính sách để thu hút và giữ chân NLĐ từ nước ngoài trở về. Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết năm 2022, các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển khoảng 51.000 lao động, trong đó lao động chất lượng cao chiếm hơn 30%. Rất nhiều DN ưu tiên nhận lao động đã về nước làm việc, trả lương từ 10-20 triệu đồng/tháng.
Lập ngân hàng dữ liệu
Theo các chuyên gia lao động, để khắc phục tình trạng lãng phí nguồn nhân lực hậu xuất khẩu lao động (XKLĐ), cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ NLĐ ngay khi có kế hoạch đưa họ đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, ngành chức năng, DN và địa phương cần phối hợp thiết lập ngân hàng dữ liệu về người đi XKLĐ, quản lý thông tin liên quan, đồng thời xây dựng phương án cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các DN.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, cho rằng việc đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động cho NLĐ về nước cần được thực hiện xuyên suốt. Với tốc độ phát triển kinh tế của nước ta như hiện nay, DN đến từ các quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam đầu tư làm ăn ngày càng nhiều, thì không thiếu chỗ làm cho lao động về nước. Mấu chốt ở đây là cách kết nối sao cho khoa học để tận dụng được nguồn lực quan trọng này. Làm được điều này thì việc thu hút đầu tư thuận lợi hơn khi các DN biết chắc rằng họ sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao và NLĐ cũng yên tâm khi về nước làm việc.
Ở góc độ DN phái cử lao động, ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng việc kết nối việc làm cho lao động về nước hiện chưa được quan tâm đúng mức, gây lãng phí rất lớn cho thị trường lao động. "Tại cổng thông tin việc làm Nhật Bản (vieclamjapan.com) mà chúng tôi đang vận hành, hàng chục DN Nhật tại Việt Nam liên tục đăng tuyển hàng ngàn vị trí việc làm với mức thu nhập 500-2.300 USD/tháng. Tuy chưa phải là mức thu nhập cao so với khi còn làm ở Nhật Bản nhưng như vậy cũng khá cao so với mặt bằng của nước ta" - ông Sơn nói.
Ngoài việc kết nối, Esuhai còn có những khóa học nâng cao trình độ tiếng Nhật và kỹ năng quản lý cho thực tập sinh để họ có thể đảm nhận những vị trí cao hơn trong các DN Nhật Bản tại Việt Nam.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-5