A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc hoạ sâu đậm đời sống người lao động

Phát động từ tháng 11.2021, cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn đến thời điểm này đã đi được nửa chặng đường và ghi nhận những thành công ban đầu.

Khắc hoạ sâu đậm đời sống người lao động

Các sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn đăng trên Lao Động. Ảnh: Linh Anh

Hình ảnh người lao động sinh động, chân thật

Sau khi phát động cuộc thi, Ban Tổ chức (BTC) đã nhận được sự hưởng hứng của nhiều cây bút viết văn chuyên nghiệp cũng như của nhiều lao động trực tiếp có đam mê với văn học.

Ở mảng truyện ngắn, sau một năm, cuộc thi đã nhận được gần 150 truyện của hơn 100 tác giả trên khắp mọi miền cả nước. Đây vẫn còn là con số khiêm tốn đối với BTC. Tuy nhiên, chất lượng các truyện ngắn đều rất tốt chứng tỏ sự quan tâm của những cây viết về mảng đề tài này. Nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng - thành viên Hội đồng sơ khảo đánh giá: “Tôi rất vui vì cuộc thi có chất lượng khá đồng đều. Đây là mảng đề tài không dễ viết. Dù vậy, hình ảnh người lao động hiện lên rất sinh động, rõ nét cho thấy cuộc sống, công việc của họ đồng thời những vấn đề đặt ra cũng rất thời sự. Đáng chú ý, trong số các tác giả tham gia có cả những người lao động trực tiếp. Tính chuyên nghiệp của họ trong các tác phẩm khá cao”.

Ngô Nữ Thuỳ Linh - một cán bộ làm việc tại UBND xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai - gửi nhiều truyện ngắn trực tiếp về đời sống công nhân. Chị cho biết: “Là một người đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai, mình có cơ hội được gặp gỡ, giao tiếp và trò chuyện với rất nhiều những công nhân đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp ở đây. Hầu hết công nhân đều là người xa quê, tìm đến Đồng Nai để có một công việc duy trì cuộc sống, cũng như phụ giúp gia đình ở quê nhà. Được đi, gặp gỡ, trò chuyện và thậm chí có những ngày mình được sống chung cùng phòng trọ với các chị, em công nhân. Nên mình nhìn thấy được thực tế đang diễn ra xung quanh, cuộc sống của người công nhân. Và đó chính là tư liệu để mình đưa vào truyện tham gia dự thi. Có thể một truyện ngắn, không bao quát hết được những vất vả, cực nhọc hay những mảnh đời bất hạnh của mỗi công nhân, nhưng trong truyện của mình, ít nhiều đó là thực tế mà mình chứng kiến. Và mình muốn gửi đến bạn đọc cả nước một góc nhỏ của cuộc đời người công nhân”.

Đây cũng là điểm chung của hầu hết các truyện ngắn dự thi: Phản ánh đời sống công nhân tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ luôn có khát vọng, hướng đến tương lai tươi sáng. Điển hình như đoạn kết của truyện ngắn "Công nhân thời vụ" của Vũ Thị Huyền Trang: "Lúc Hạnh quay lưng rời nhà máy cũng là lúc chị Lãnh chuẩn bị vào ca. Đây đâu phải ngày đầu tiên đi làm mà sao chị lại nôn nao đến lạ. Chị thấy mình như đang bước sang một trang đời mới. Chị sẽ tới nhà máy mỗi ngày, sẽ có thu nhập ổn định mỗi tháng. Nếu chăm chỉ làm việc nhiều năm sau này về già chị sẽ có đồng lương hưu trang trải. Nghĩ đến đó thôi mà lòng vui khó tả, vuốt lại bộ quần áo công nhân còn thơm mùi xả vải, chị mỉm cười bước vào nhà máy...”

Về tiểu thuyết, cho đến nay BTC mới nhận được khoảng 30 tiểu thuyết nhưng đã đánh dấu nỗ lực của các tác giả. Các tiểu thuyết này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của cuộc thi.

Mong tiếp tục có sự tham gia đông đảo của các cây viết trong cả nước

Có được thành quả ban đầu, song BTC kỳ vọng sẽ có nhiều tác giả tham gia đông đảo hơn đối với cuộc thi. Trao đổi với Lao Động, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - chia sẻ: “Để hiểu được câu chuyện, cuộc đời, sự bất trắc, những trăn trở day dứt của những công nhân sống trong các khu công nghiệp cần thời gian đi thực tế rất lâu. Nhà văn thậm chí cần phải trở thành một công nhân, một viên chức của nhà máy đó, để vừa quan sát, vừa trải nghiệm, mới viết được”.

Trên thực tế, ngoài mong muốn sự tham gia của những nhà văn chuyên nghiệp, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN kỳ vọng sự tham gia của các đoàn viên, người lao động hay các bộ công đoàn tham gia cuộc thi này. Bởi chính họ là người hiểu hơn hết những nỗi vất vả khó khăn, những hiện thực của cuộc sống đang diễn ra cũng như những hoài bão, khát vọng của người lao động trong thời đại mới - thời của công nghệ, thời của 4.0.

Tác giả Trần Đình Hiếu - một sĩ quan quân đội ở Bình Phước chia sẻ: “Cuộc thi đã tạo được một sân chơi cho những người yêu thích sáng tác, thông qua đó đã tạo cảm hứng, truyền năng lượng cho đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động qua đó phần nào đã góp phần tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng của những cán bộ đoàn viên công đoàn tâm huyết, những câu chuyện chân thực, những tấm lòng biết ơn của đoàn viên, CNLĐ khi được chia sẻ, giúp đỡ, động viên những lúc khó khăn trong cuộc sống”.

Đó cũng là mong mỏi của BTC: Cuộc thi tiếp tục được lan toả, thu hút sự quan tâm của người viết, tạo dòng chảy mạnh trong văn học Việt Nam mà ở đó người lao động, công nhân, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, và tổ chức Công đoàn sẽ là nhân vật văn học có vị trí trung tâm.

Thaco đồng hành cùng Cuộc thi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết