Hết cảnh xếp chỗ nửa đêm, người mắc bệnh mạn tính được cấp thuốc dài hạn
Từ 1.7.2025, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính sẽ được cấp thuốc dài hạn, tối đa 90 ngày, thay vì phải thường xuyên đến cơ sở y tế tái khám, chờ đợi mệt mỏi.
Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính thăm khám để lấy thuốc điều trị tại Bệnh viện K. Ảnh: Trần Hà
Đi xếp chỗ từ nửa đêm
Bà Lê Vân Dung, ở ngõ 68 Xuân Thuỷ, phường Cầu Giấy, Hà Nội, đã sống chung với bệnh đái tháo đường gần 20 năm. Mỗi tháng, bà đều đặn đến Bệnh viện E kiểm tra sức khoẻ và nhận thuốc điều trị. Để tránh cảnh chen chúc chờ đợi, suốt nhiều năm qua, bà cùng nhóm hàng xóm có chung bệnh tình thay phiên nhau đi lấy số thứ tự từ 12h đêm. Sáng hôm sau, họ trở lại viện lúc 6h30 để kịp khám sớm.
“Đi lấy số từ đêm để sáng được khám sớm, nếu không thì phải nhịn ăn lâu, rất mệt, dễ tụt huyết áp. Chúng tôi luôn mong muốn được cấp thuốc dài hạn hơn, thay vì mỗi lần chỉ nhận thuốc dùng trong một tháng”, bà Dung chia sẻ.
Cũng mắc đái tháo đường, nhưng hoàn cảnh của bà Vũ Thị Thắm, ở ngõ 81 Nguyễn Phong Sắc, còn khó khăn hơn. Bà Thắm bị liệt, nằm một chỗ suốt hơn 30 năm. Khi phát hiện thêm bệnh đái tháo đường, việc đi lại đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương hàng tháng để khám và nhận thuốc càng trở nên vất vả. Mỗi lần di chuyển, gia đình phải thuê xe, người thân tất bật đỡ bà lên xuống.

“Trước đây, tôi chỉ được lấy thuốc một tháng một lần. Sau này, bệnh viện tạo điều kiện cho lấy thuốc hai tháng một lần. Nay có quy định được cấp thuốc ba tháng một lần, tôi rất mừng. Mỗi lần đi ký nhận thuốc, con cháu đỡ khổ hơn rất nhiều”, bà Thắm bày tỏ.
Tại phòng khám Vú, Bệnh viện K, nhiều người bệnh bày tỏ niềm vui khi được thông báo sẽ được cấp thuốc 3 tháng một lần thay vì mỗi tháng phải lên viện nhận thuốc.
Chị Lê Thị T (43 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ, chị được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2, đã phẫu thuật, hóa trị và xạ trị từ năm 2024. Sau điều trị, dù chỉ tái khám 3 tháng/lần nhưng mỗi tháng chị vẫn phải xin nghỉ cả ngày để lên Hà Nội lấy thuốc, rất mệt mỏi và tốn kém. “Lần này được thông báo sẽ được cấp thuốc 3 tháng/lần, tôi thực sự vui mừng", chị T nói.
Chung niềm phấn khởi, chị Nguyễn Thị M (ở Tuyên Quang) cũng cho biết, sau phẫu thuật ung thư vú năm 2023 và hóa chất 8 đợt, chị vẫn phải dùng thuốc nội tiết hàng tháng. Việc đi lại từ tỉnh lên viện lấy thuốc rất vất vả, mất cả ngày và phải nghỉ làm. “Khi biết được cấp thuốc 3 tháng/lần tôi rất vui. Đây là mong mỏi của tất cả bệnh nhân ở xa như tôi”, chị M chia sẻ.
Bệnh nhân mạn tính được cấp thuốc dài hạn
Bộ Y tế ký ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BYT ngày 30.6.2025 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1.7, đánh dấu bước thay đổi quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh.
Theo quy định mới, người mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú sử dụng trên 30 ngày, tối đa 90 ngày, thay vì chỉ được cấp thuốc tối đa 30 ngày như trước đây theo Thông tư 52/2017.
Danh mục gồm 16 nhóm bệnh lớn, với tổng cộng 252 bệnh và nhóm bệnh mạn tính. Trong đó có nhiều bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, hen phế quản, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, Parkinson, Alzheimer, trầm cảm, rối loạn lo âu, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), suy giáp, suy tuyến yên, sa sút trí tuệ và các bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì. Một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến giáp cũng thuộc diện được kê thuốc dài hạn.
Thông tư cũng quy định rõ việc kê đơn thuốc gây nghiện để điều trị giảm đau cho người bệnh ung thư. Trong trường hợp người bệnh điều trị tại nhà, không thể đến cơ sở y tế, cần có xác nhận tiếp tục điều trị của trạm y tế địa phương kèm tóm tắt bệnh án. Mỗi đơn thuốc gây nghiện tối đa 30 ngày, chia làm 3 đợt điều trị liên tiếp, mỗi đợt không quá 10 ngày, phải ghi rõ ngày bắt đầu và kết thúc. Người bệnh hoặc người đại diện phải viết cam kết sử dụng thuốc đúng mục đích.
Bộ Y tế từng triển khai cấp thuốc điều trị 3 tháng trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, khi người bệnh khó đến bệnh viện định kỳ.
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Quy định mới giúp người bệnh tiếp cận phác đồ điều trị chuẩn xác, hạn chế lạm dụng thuốc và giảm nguy cơ kháng kháng sinh. Quy trình kê đơn được minh bạch, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát. Người bệnh cũng được tư vấn đầy đủ về thuốc và điều trị. Việc áp dụng kê đơn thuốc theo Thông tư không chỉ giảm áp lực đi lại, đặc biệt với bệnh nhân ở xa Hà Nội, mà còn tạo thuận lợi cho bác sĩ và nhân viên y tế.
TS.BS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, bác sĩ sẽ quyết định số ngày sử dụng của từng loại thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của người bệnh, tối đa 90 ngày. Trường hợp tài liệu chuyên môn không nêu rõ thời gian dùng thuốc, bác sĩ vẫn có thể kê đơn tối đa 90 ngày nếu phù hợp.
Mẫu sổ khám bệnh cũ bị bãi bỏ, thay vào đó, thông tin sẽ được kê vào đơn thuốc và quản lý qua hồ sơ bệnh án giấy hoặc điện tử. Bác sĩ kê đơn phải ghi rõ số lượng dùng mỗi lần, số lần trong ngày và tổng số ngày điều trị để bảo đảm minh bạch, dễ theo dõi