Gỡ vướng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều bệnh viện, kể cả các bệnh viện tuyến cuối, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh.
Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế đang vướng ở một số khía cạnh. Cụ thể như quy định "giá tham gia mời thầu phải bằng hoặc thấp hơn giá đã trúng thầu của 12 tháng trước đây" là làm khó các bệnh viện. Vì thuốc hiện nay tính theo giá cũ chưa tính lạm phát và các khía cạnh liên quan đến chuỗi cung ứng. Nhất là trong 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều chuỗi cung ứng thuốc bị đứt gãy, giá nguyên vật liệu, giá vận chuyển... đều gia tăng. Hiện tại, giá xăng còn tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến sự tăng giá của mọi mặt hàng.
Các mặt hàng khác hầu như đều tăng giá theo thời gian, tại sao riêng thuốc lại quy định "giá chết" như vậy? Cần phải lưu ý rằng trong đấu thầu hàng hóa dịch vụ thông thường rẻ hơn là tốt nhưng điều này không đúng với thuốc chữa bệnh, vật tư tiêu hao. Liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh thì không thể chỉ căn cứ vào yếu tố giá rẻ, giá thấp. Nếu cứ lấy thuốc, vật tư ở giá thấp thì chất lượng không bảo đảm, làm quá trình chẩn đoán khám chữa bệnh giảm, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh và người bệnh chịu thiệt.
Vì thế, cần có quy định đặc thù riêng cho thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế để chọn được thuốc, vật tư có chất lượng, giá cả hợp lý. Nếu việc đấu thầu thuốc đã khó thì đấu thầu trang thiết bị y tế còn khó hơn vì cùng một loại máy nhưng cấu hình khác, tính năng kỹ thuật khác là giá đã khác nhau.
Vướng mắc nữa là việc doanh nghiệp tự kê khai giá, tự công bố giá nhưng cơ chế kiểm soát thì chưa rõ ràng. Có doanh nghiệp kê khai giá để đấu thầu, có doanh nghiệp kê khai nhưng không tham gia đấu thầu mà báo giá tụt đi để cạnh tranh. Điều này cũng gây khó khăn cho việc đấu thầu.
Gần đây, ai cũng biết có nhiều vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến đấu thầu dẫn đến tâm lý lo ngại trong bối cảnh các quy định về pháp luật, đấu thầu chưa rõ. Thực tế, có nhiều cán bộ tham gia đấu thầu thuốc đã bị bắt, bị khởi tố hoặc chuyển việc, nên đội ngũ chuyên nghiệp làm đấu thầu, có kinh nghiệm trong xây dựng hồ sơ mời thấu, đấu thầu, hiểu biết về trang thiết bị, thuốc, vật tư của các bệnh viện đã thiếu nay còn thiếu hơn.
Để giải quyết các tồn tại trên, Bộ Y tế cần có đánh giá tổng thể về thực trạng công tác đấu thầu trong đó có sự phân biệt khác nhau giữa đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế để từ đó tìm ra thực trạng đúng. Phải trả lời được câu hỏi vì sao họ không tham gia đấu thầu, vướng mắc ở đâu. Từ đó, nếu quy định vướng ở các luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình Quốc hội để ra nghị quyết giải quyết.
Cùng với vấn đề liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao là vấn đề lớn mà ngành y tế đang lúng túng và người làm rất dễ vi phạm. Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là "lằn ranh đỏ" để người ta không thể vượt qua". Giải quyết vấn đề trên mới từng bước tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc để công tác đấu thầu từng bước lập lại trật tự bình thường, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.