Gỡ khó cho đào tạo nghề
Kết nối với doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, chương trình đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường là thực trạng của nhiều trường nghề hiện nay
Hiện TP HCM có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh GDNN, trường cao đẳng và trường trung cấp chiếm chủ yếu. Nguồn nhân lực đào tạo không chỉ cung cấp cho TP HCM mà còn cả các tỉnh, thành phía Nam, song mạng lưới trường nghề còn nhiều bất cập, chồng chéo.
Còn nhiều bất cập
Tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm" do HĐND TP HCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình thành phố tổ chức sáng 10-9, thông tin nêu ra cho thấy TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, nguồn nhân lực đã qua đào tạo đạt 87%. Song thực tế, chất lượng đào tạo thấp, thiếu kinh phí đầu tư, nhiều cơ sở GDNN tuyển sinh khó khăn.
Sinh viên trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng tại “Ngày hội việc làm 2023” do Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng tổ chức .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Sáu tháng đầu năm 2023, các trường nghề ở TP HCM chỉ tuyển được 30,58% so với chỉ tiêu đặt ra. Ngoài nguyên nhân nhiều học sinh muốn học đại học thay vì trường nghề, vấn đề quan trọng nằm ở chương trình giảng dạy.
Lĩnh vực đào tạo hiện tập trung vào những ngành nghề phổ biến, chi phí đầu tư thấp, dẫn tới tình trạng mất cân đối. Hơn nữa, các trường nghề phân bố chưa gắn với các KCN. Đơn cử, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè là các huyện tập trung nhiều KCN ở TP HCM nhưng lại khá ít cơ sở GDNN. Phần lớn trường nghề chưa bảo đảm diện tích, loại hình đào tạo công lập vẫn chiếm tỉ lệ cao với 62%, tư thục chỉ chiếm 38%.
Trường cao đẳng và trung cấp nghề chiếm tỉ lệ cao, trong khi đào tạo sơ cấp và trình độ ngắn hạn lại thấp. Cơ sở vật chất của một số cơ sở GDNN vẫn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu...
Theo ông Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn (quận Gò Vấp, TP HCM), việc hợp tác giữa DN và nhà trường còn một số bất cập. Các văn bản chỉ đạo đa phần mang tính định hướng, chung chung, chưa cụ thể. Việc kết nối giữa 2 bên hiện nay đến từ sự năng động của nhà trường và tính tự nguyện của DN.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan lĩnh vực GDNN vào tháng 6-2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung nhận xét thực trạng chung của trường nghề trên toàn quốc là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thật sự gắn với nhu cầu thị trường. Cùng một địa bàn nhưng có nhiều trường nghề khác nhau, nhiều ngành nghề trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong.
Kết nối cung - cầu
Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết những năm gần đây, việc gắn kết giữa đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm được duy trì thường xuyên, liên tục. Tại các lễ tốt nghiệp, cơ sở GDNN cũng kết hợp tổ chức ngày hội việc làm, mời DN tới tham gia và tuyển dụng trực tiếp.
Bên cạnh đó, trung tâm dịch vụ việc làm định kỳ tổ chức sàn giao dịch, giúp người lao động tìm kiếm cơ hội mới. Mới đây nhất là sự kiện chuyên đề về lĩnh vực du lịch, tạo cầu nối giữa nhà tuyển dụng và ứng viên tìm việc. Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH TP HCM sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch chuyên đề cho nhiều lĩnh vực.
Kết luận chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết hằng năm, khoảng 125.000 học viên tốt nghiệp từ các cơ sở GDNN bổ sung vào thị trường lao động. Thành phố xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi. Do đó, cần thực hiện tốt việc quy hoạch trường lớp, mạng lưới cơ sở GDNN; tập trung xây dựng lộ trình cụ thể. Đến năm 2025, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo, không để thiếu cục bộ.
Bên cạnh đó, TP HCM sẽ sắp xếp lại mạng lưới theo hướng tinh giản, tăng cơ sở giáo dục chất lượng cao, giảm chồng chéo. Theo đó, chỉ tiêu giảm ít nhất 20% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020, trong đó giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập, nâng tỉ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài lên 45%; ưu tiên phát triển các cơ sở GDNN trong lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học.
"Cần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đặc biệt là khâu kết nối cung - cầu, để người tìm việc và DN cần người dễ dàng gặp nhau. Ngoài việc làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu ra chất lượng thì nguồn nhân lực mới căn cơ, bền vững" - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.