Giúp trò vững bước trên đường đời
Tôi viết về cô bằng rung cảm rất đời, rất người vì tôi trân quý cô giáo của mình. Đó là cô Mỹ Trang, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Tôi lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Cái nghèo dễ làm người ta thua thiệt và tủi thân.
Cô trò nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo
Chính vì thế, ngay từ nhỏ, tôi đã quen cuộc sống thiếu cái ăn cái mặc. Tôi quen với những bộ quần áo cũ trong khi bạn bè mặc quần tây, áo sơmi thơm tho, trắng sáng. Tôi quen đi dép nhựa rách phải hàn bằng mủ cao su bên những đôi giày thơm mùi nhựa mới của bạn bè; quen những bữa cơm chỉ có nước mắm với rau luộc bên những bữa cơm thịt cá đủ đầy của chúng bạn; quen một buổi cắp sách đến trường còn một buổi đi làm thuê cuốc mướn kiếm bát cơm no lòng.
Cô giáo Mỹ Trang. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Cha mẹ luôn động viên chúng tôi học để có cái chữ, để thoát nghèo. Vì thế, tôi cố gắng học. Tôi có thể nghèo, ăn mặc rách nát nhưng luôn học giỏi. Tôi hạnh phúc khi 12 năm liền mình làm lớp trưởng, 12 năm đạt thành tích cao; tự hào với giấy khen của trường, với thành tích "học sinh nghèo vượt khó học giỏi"...
Ngày học xong cấp III và thi đậu đại học, tôi khóc như một đứa trẻ vì đã làm được điều tưởng như không thể. Cô Mỹ Trang là người giúp tôi rất nhiều để củng cố kiến thức, ôn luyện thi đại học. Hôm tôi lên đường nhập học, cô không có gì nhiều ngoài những lời nhắn nhủ tâm huyết và một ít tiền dành dụm gửi làm quà. Với đứa học trò nghèo thì số tiền đó là nước mắt, là công sức lao động, là những đêm không ngủ soạn giáo án của cô. Nhớ lại khoảnh khắc ngày đó khiến tim tôi nấc nghẹn, không nói nên lời.
Cuộc sống ở TP HCM khác xa cảnh quê nghèo và tôi bị choáng ngợp thật sự. Tôi học đại học nhưng cũng như lúc ở quê, một buổi lên giảng đường, một buổi đi làm thêm. Tiết kiệm lắm tôi mới có thể tạm đủ sống để đi học. Ngày đó, tôi lúc nào cũng ốm yếu vì thiếu ăn, chỉ có cô biết rõ nhất. Những bức thư gửi tôi, cô luôn động viên. Tôi cố gắng từng ngày vì ước mơ thoát nghèo của mình. Cô nói ước mơ thoát nghèo của tôi cũng là ước mơ của cô gửi gắm khi chọn nghề "gõ đầu trẻ".
Khi trò lạc lối, cô xác định lại con đường
Vậy mà năm cuối đại học - khi kỳ thực tập đang chờ trước mắt - tôi lại bị đồng tiền cám dỗ, quật ngã trong đau đớn, tủi hổ.
Tôi vướng vào cá độ bóng đá và game online dẫn đến nợ nần. Trong một phút nông nổi, tôi đã ăn cắp điện thoại và tiền của bạn trong ký túc xá để tiêu xài. Tôi bị bắt quả tang và bị buộc thôi học. Với tôi, giây phút bước ra khỏi cổng trường đại học mà mình gắn bó trong 4 năm trời mãi in sâu như một bài học không thể nào quên, bài học đời người.
Tôi trở nên điên loạn, mất phương hướng và căm ghét tất cả những ai muốn động viên, giúp đỡ mình. Khi ấy, tôi cảm thấy đó là lòng thương hại, là người ta tội nghiệp và điều đó làm tôi không muốn đi đâu, làm gì nữa.
Một lần nữa khi trong tận cùng đau đớn, tủi nhục, tôi lại có cô bên cạnh. Cô làm bạn với tôi để chia sẻ và động viên. Cô từng bước làm tôi quên đi mặc cảm, hướng tôi đi con đường mới khó khăn hơn nhưng rất thực tế với hoàn cảnh lúc đó.
Tôi đã sống những giây phút khó khăn nhất đời mình dưới sự dìu dắt của cô. Giờ đây, khi đã trưởng thành hơn, tôi càng biết ơn cô. Chính cô đã xác định cho tôi hướng đi học nghề để có một công việc với thu nhập ổn định, từ đó học lên thêm. Cô đánh thức được lòng tự tôn và cho tôi những lời khuyên đúng đắn.
Ngôi trường ngày xưa cô trò tôi gắn bó giờ đã thay da đổi thịt. Cô của tôi đã chuyển sang một ngôi trường mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Tôi thích câu nói: "Có những mối quan hệ mà người ta không cần nói ra hay thể hiện nhưng trong lòng vẫn luôn nhớ về nhau với một vị trí trang trọng nhất". Tôi và cô hiện nay ai cũng có mái ấm riêng, ai cũng nặng nợ cơm áo nhưng lương tâm thanh thản, ngẩng cao đầu đối diện với cuộc sống còn bộn bề. Dù chỉ nói chuyện với nhau vào những dịp đặc biệt, song cả hai đều tự hiểu tình cô trò là điều thiêng liêng mà chúng tôi trân quý.
Với tôi, thầy cô là những người luôn phải đặt "cái tâm" lên hàng đầu khi làm việc, có vậy mới đem lại hiệu quả, mới đúng tôn chỉ của ngành giáo dục, mới được học trò nhớ đến và tôn vinh. Tôi vinh hạnh được dìu dắt bởi người lái đò tuyệt vời như cô Mỹ Trang. Cô là biểu tượng sống đẹp, sống trọn vẹn với nghề, với cái tâm sáng như trăng rằm của bao lớp học trò.
Nâng đỡ học sinh
"Kim chỉ nam" khi làm nghề giáo mà cô hướng đến là nâng đỡ học sinh trở thành người có ích; giúp học sinh có đủ hành trang, kiến thức và đạo đức bước đi trên đường đời. Trên hết, cô luôn nỗ lực bảo vệ những "chủ nhân tương lai của đất nước" khỏi những "vết sẹo" trong tâm hồn, vượt qua nghịch cảnh.