A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ chân nguồn nhân lực công lập

Một số bất cập trong quy định về thời gian thử việc, chuẩn hóa các chứng chỉ hành nghề, bổ nhiệm, mức lương... khiến nhiều công chức, viên chức nghỉ việc

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có công văn gửi các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập và UBND các huyện, TP Gia Nghĩa về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) xin nghỉ việc. Theo UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, ngành y tế tỉnh có 27 CC, VC xin nghỉ việc, trong đó có 14 bác sĩ (BS). Năm 2021, cũng có 38 CC, VC nghỉ việc, trong đó có 17 BS. Điều này đã làm thiếu nhân lực trầm trọng.

Giữ chân nguồn nhân lực công lập - Ảnh 1.

Tỉnh Đắk Nông đang thiếu hụt nhân sự ngành y tế. Ảnh: CAO NGUYÊN

Ngành y nghỉ nhiều

Ngày 17-10, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, về làm Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này. Phát biểu nhận nhiệm vụ, bà Hương bất ngờ cho biết xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe và không phù hợp với chuyên môn được đào tạo. "Sau buổi công bố hôm nay, tôi sẽ gửi đơn xin nghỉ việc và xin phép đăng ký 1 buổi làm việc với đồng chí chủ tịch UBND tỉnh để trực tiếp gửi đơn xin nghỉ việc của mình" - bà Hương phát biểu.

Tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, tình trạng thiếu nhân sự khiến cho công tác khám chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Trong đó phòng khám nội, lượng người đến khám rất đông nhưng chỉ có 1 BS, 1 điều dưỡng.

BS Nguyễn Đăng Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil, cho biết trong 8 tháng đầu năm 2022, đơn vị có 5 CB, nhân viên xin nghỉ việc, chuyển công tác, trong đó có 3 BS. Theo kế hoạch, trung tâm sẽ triển khai một số danh mục, kỹ thuật mới trong thời gian tới nhưng với tình trạng thiếu nhân sự như hiện nay sẽ khó thực hiện.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, từ năm 2021 đến nay có 16 VC xin nghỉ việc, trong đó có 10 BS. Lãnh đạo trung tâm này lo lắng khi nhân viên liên tục nghỉ việc, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám chữa bệnh.

Theo BS Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, có 3 yếu tố tác động đến công việc của nhân viên y tế là thu nhập, môi trường làm việc và khả năng nâng cao tay nghề. Những người nghỉ việc đều cho rằng mức lương thấp, không có điều kiện tiếp cận với những máy móc, kỹ thuật tiên tiến nên buộc phải tìm môi trường mới. "Bên cạnh đó, vất vả, áp lực, cùng một số bất cập trong các quy định về thời gian thử việc, chuẩn hóa chứng chỉ hành nghề, vướng mắc về việc bổ nhiệm cũng khiến nhiều y - BS muốn từ bỏ công việc mình từng gắn bó" - BS Tùng nói.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực nhưng chính sách về nhà ở vẫn chưa thực hiện. Một lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết từ năm 2020 đến nay, tỉnh có 144 CB, CC, VC xin nghỉ việc. "Ngoài tạo cơ hội phát triển, gắn kết, ổn định, cần có giải pháp hỗ trợ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, các sở, ban, ngành, đơn vị cần đổi mới công tác bố trí, sử dụng CB, CC, VC để họ có cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là CB trẻ" - một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu.

Giữ chân nguồn nhân lực công lập - Ảnh 2.

Nhiều giáo viên tỉnh Gia Lai xin nghỉ việc. Ảnh: HOÀNG THANH

Tạo điều kiện, vẫn xin nghỉ

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, từ tháng 1-2020 đến nay, toàn tỉnh có 360 CB, CC, VC nghỉ việc. Hầu như cơ quan nào của tỉnh Gia Lai cũng có người xin nghỉ việc. Nhiều nhất là các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo… Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo có tới 125 VC nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết khi có CC kiểm lâm, VC quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc, đơn vị rất quan tâm, động viên tiếp tục ở lại làm việc, tạo điều kiện để được luân chuyển đến công tác gần nhà. Tuy nhiên, vì điều kiện công việc nhiều vất vả, khó khăn, chế độ lương, phụ cấp thấp nên họ vẫn xin nghỉ việc. Trong đó có cả CC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Từ năm 2021 đến nay, có 16 CC kiểm lâm (trong đó có 4 lãnh đạo), 92 VC quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc.

Trong khi đó, chế độ, chính sách cho CC, VC quản lý bảo vệ rừng chưa được quan tâm đúng mức, lương còn thấp và chưa phù hợp với mặt bằng tiền lương, tiền công đối với ngành nghề nguy hiểm, vì vậy không thu hút được đầu vào, thiếu người ứng tuyển. "Áp lực trách nhiệm bảo đảm an toàn cho những cánh rừng đang đè nặng trên vai những người kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng. Lực lượng này đang phải làm việc gấp nhiều lần so với nhiệm vụ quy định" - ông Hoan nói.

Ông Nguyễn Đình Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, cho rằng CB, CC, VC xin nghỉ việc nhìn chung là do mức lương thấp trong khi áp lực công việc cao. 

Đắk Lắk: 383 người nghỉ việc trong 2 năm rưỡi

Tại tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2020 đến tháng 6-2022, có tổng cộng 383 CB, CC, VC xin nghỉ việc. Nhiều nhất là ngành y tế với 155 người, giáo dục 134 người. Trong đó, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao như BS, dược sĩ. Về nguyên nhân, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng do áp lực công việc cao, tình trạng quá tải bệnh nhân, môi trường làm việc không thuận lợi, đặc biệt trong lĩnh vực y tế nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là công tác phòng chống dịch COVID-19. Thu nhập thấp, chưa tương xứng với công việc cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng CB, CC, VC nghỉ việc hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết