Đừng nhẫn tâm, vô cảm với người khuyết tật
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip về một phụ nữ tên B. (ngụ tỉnh Vĩnh Long) do một số YouTuber thực hiện.
Chị B. có sở thích trang điểm lòe loẹt, đeo nhiều trang sức, nói chuyện có phần ngô nghê đã trở thành đề tài để nhiều YouTuber khai thác một cách triệt để.
Không riêng chị B., nhiều người có sở thích khác lạ, có chút vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng thường xuyên xuất hiện trên các clip của YouTuber. Điển hình như người đàn ông thích mặc váy tên MC hay câu chuyện của người phụ nữ tên Ng…, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, chia sẻ, kèm theo đó là vô số lời bình luận khiếm nhã, giễu cợt, thậm chí miệt thị, chửi rủa...
Những năm gần đây, làm YouTube được nhiều người xem như một nghề vì có thể kiếm ra tiền. Nhằm thỏa mãn người xem cũng như muốn gây sốc để nổi tiếng nhanh, nhiều YouTuber đã bất chấp luật pháp, đạo đức, tự trọng, đi ngược giá trị văn hóa, nhân văn… để tạo ra những nội dung phản cảm.
Không ai muốn bản thân có số phận bất hạnh, cũng không ai mong muốn nỗi bất hạnh của người thân bị mang ra cho người khác đùa cợt. Vì vậy, việc lấy khiếm khuyết của người khác để kiếm tiền, dù bằng hình thức nào, cũng là sự nhẫn tâm, cần bị lên án. Cao hơn nữa, việc này có thể xem là đã vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội, cần phải bị xử lý.
Trong chuyện này, người tìm xem những clip này để giải trí, thỏa mãn trí tò mò rồi sôi nổi, hả hê bình luận cũng thật đáng trách. Bởi suy cho cùng, chính họ đã vô tình cổ xúy cho việc kiếm tiền từ sản xuất những clip "rác" văn hóa; đồng thời tự biến mình thành người vô cảm, đến một lúc nào đó, suy nghĩ, hành động, lối sống lệch lạc trở thành thói quen, đẩy tới những nguy hại không thể lường hết.
Để chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn của một số YouTuber và người dùng mạng xã hội, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng cũng như văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, cần sự vào cuộc thường xuyên, liên tục của lực lượng chức năng để phát hiện và xử lý sai phạm đối với những clip phản cảm, kể cả đối với người đã bấm nút like, share, phát tán thông tin…; song song đó, tăng chế tài xử phạt. Chỉ khi người sử dụng mạng xã hội ý thức được trách nhiệm của mình, từ chối xem những clip phản cảm, vô bổ, lệch chuẩn đạo đức… thì "rác" văn hóa mới không còn đất sống.