A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng đẩy khó cho người lao động

Nại lý do khó khăn, nhiều doanh nghiệp thay đổi chính sách tiền lương, phúc lợi khiến cho người lao động nản lòng, tự xin nghỉ việc

Sau 3 năm gắn bó, cuối năm 2023, anh Nguyễn Chí Hữu (quê Tiền Giang) đã xin nghỉ việc tại Công ty TNHH H.V (quận 6, TP HCM), một phần nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) thay đổi chính sách tiền lương, bất lợi cho người lao động (NLĐ).
Người lao động thiệt thòi

Anh Hữu làm việc tại công ty từ năm 2020 với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy không cao nhưng công việc ổn định, DN cũng chưa từng nợ lương. Những tưởng sẽ gắn bó lâu dài song tháng 10-2023, công ty đột ngột thông tin đến NLĐ sẽ chuyển nhà máy về KCN Mỹ Phước 2 (tỉnh Bình Dương) sau 1 tháng kể từ khi đưa ra thông báo, khiến anh Hữu cùng nhiều đồng nghiệp bất ngờ.

Theo thông báo của phòng nhân sự, nếu NLĐ đồng ý đến địa điểm mới làm việc sẽ có xe đưa đón, những ai đi làm bằng xe máy sẽ được hỗ trợ tiền xăng 30.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, điều đáng nói là công ty sẽ bỏ hệ số thâm niên của NLĐ. Theo đó, tiền lương sẽ được tính lại từ đầu. 

"Khoảng cách từ nhà trọ (ở quận Bình Tân) đến chỗ làm mới 50 km, do vậy với mức hỗ trợ xăng xe do công ty đưa ra không bù nổi chi phí đi lại. Việc công ty xóa bỏ hệ số thâm niên cũng gây ức chế cho NLĐ" - anh Hữu bày tỏ. Anh Hữu cho biết có đến 70% NLĐ làm việc tại công ty đã lựa chọn "dứt áo ra đi".

Người lao động tại quận 7, TP HCM được trợ giúp pháp lý miễn phí Ảnh: HUỲNH NHƯ

Người lao động tại quận 7, TP HCM được trợ giúp pháp lý miễn phí Ảnh: HUỲNH NHƯ

Tương tự, sau thời gian cố gắng bám trụ, chị Trương Thị Thảo, CN một DN chuyên gia công đế giày đóng tại tỉnh Bình Dương, đành phải nghỉ việc do công ty thay đổi chính sách hỗ trợ. Chị Thảo và chồng cùng làm công việc sửa đế tại công ty hơn một năm. Bộ phận sửa đế không làm ở công ty mà phải đến các nhà máy ở TP HCM, Đồng Nai, Long An... theo yêu cầu của khách hàng. 

Vì đường xa nên ngày nào anh chị cũng đi làm từ sáng sớm nhưng bù lại thu nhập khá ổn định, khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty hỗ trợ tiền xăng xe và tiền cơm trưa. Mọi chuyện thay đổi khi công ty gặp khó khăn về đơn hàng nên đã cắt giảm khoản hỗ trợ tiền xăng, tiền cơm trưa. "Chi phí ăn trưa và tiền xăng mỗi tháng của vợ chồng tôi gần 3 triệu đồng, do vậy việc công ty cắt giảm 2 khoản này khiến thu nhập giảm sút, chúng tôi đành nghỉ việc" - chị Thảo thở dài.

Gây ức chế

Có hơn 10 năm làm việc tại một DN may mặc lớn trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM với thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng nhưng chị Nguyễn Thị Thắng (quê Long An) vẫn quyết định nghỉ việc.

Chị Thắng kể hồi tháng 4-2023, nhà máy nơi chị làm việc gặp khó khăn về đơn hàng, sau thời gian dài cho NLĐ nghỉ chờ việc thì chuyển sang cắt giảm lao động. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, công ty sắp xếp lại các chuyền theo hướng tinh gọn. Trong 2 tháng liền, chị liên tục bị điều chuyển từ chuyền gò sang may, rồi đến thành hình. 

Cùng với việc cơ cấu lại sản xuất, công ty cũng áp sản lượng lên số công nhân (CN) còn làm việc và điều này khiến họ mệt mỏi, dẫn đến kiệt sức. "Áp lực công việc nặng nề trong khi thu nhập không cải thiện khiến nhiều CN nản lòng, nhiều người đã xin nghỉ việc" - chị Thắng kể.

Còn anh Quảng Nhật Tín, nhân viên tiếp thị của Công ty TNHH T.N (chuyên phân phối nước rửa chén, nước lau sàn; đóng tại quận 7, TP HCM), cũng đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trước đây, khi công ty làm ăn thuận lợi, thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 8 triệu đồng. Từ năm 2023, do công ty gặp khó khăn nên thu nhập của anh giảm đáng kể. 

Không chỉ vậy, công ty trả lương không đúng hẹn cho NLĐ. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, công ty cũng chỉ tạm ứng được cho nhân viên một phần tiền lương và thưởng Tết, còn nợ lại của họ gần 2 tháng lương. "Chúng tôi chia sẻ khó khăn với công ty nhưng việc bị nợ lương kéo dài khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Nếu tình hình này còn kéo dài thì tôi khó trụ lại được" - anh Tín bày tỏ. 

Luật sư PHAN THỊ LAN (Đoàn Luật sư TP HCM):

Tìm hiểu kỹ các thỏa thuận, quy chế

Khi ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, NLĐ cần đọc kỹ các điều khoản; tham khảo các văn bản thỏa thuận của DN với đại diện NLĐ như thỏa ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế (trả lương, trả thưởng) của DN. Việc nắm chắc thông tin về quyền lợi sẽ giúp NLĐ tránh được thiệt thòi, nhất là trong trường hợp DN bất tín hoặc cố tình gây khó. Trường hợp đề xuất mà DN vẫn không giải quyết kiến nghị thì NLĐ có thể khiếu nại đến các cơ quan chức năng, thậm chí khởi kiện ra tòa.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết