Đừng chủ quan khi trẻ chậm nói
Chậm nói ở trẻ cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời bởi trẻ chậm nói sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về trí não, cảm xúc, hoạt động, thậm chí bị tự kỷ nếu tình trạng kéo dà
Nếu trước 3 tuổi, trẻ có khó khăn trong việc phát triển ngôn ngữ thì nguy cơ ảnh hưởng việc học về sau là 50%. Đến 6 tuổi, trẻ còn gặp khó khăn về ngôn ngữ thì nguy cơ ảnh hưởng đến việc học là 100%. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ gặp khó khăn để đánh giá việc chậm nói ở trẻ.
Con chậm nói khi nào?
Con gái anh N.H.T (30 tuổi, ngụ Cà Mau) dù gần 3 tuổi nhưng bé chỉ nói được từ đơn. Anh T. cho biết: "Vì bé vẫn nói những từ đơn nên gia đình tưởng bé chỉ chậm nói thông thường. Tuy nhiên, tình cờ đọc được những thông tin về trẻ chậm nói ảnh hưởng đến sự phát triển của con nên tôi đưa bé đến bệnh viện thăm khám. Ban đầu nghĩ con bị dính thắng lưỡi nên tôi cho con đến chuyên khoa răng hàm mặt. Nhưng tại đây, bác sĩ tư vấn cần đưa bé đến khám tâm lý vì không có biểu hiện bất thường về bộ phận phát âm. Sau đó, tôi đưa bé đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), thì con được chẩn đoán chậm nói".
Thực hiện thủ thuật cắt thắng lưỡi cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Anh T. cho biết bé được mẹ chăm sóc ở nhà, do công việc bận rộn nên vợ anh thường mở các chương trình thiếu nhi trên tivi cho bé xem. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé chậm nói. "Bác sĩ tư vấn tôi phải cho con đi học mẫu giáo và hạn chế xem tivi, điện thoại để bé có thời gian tương tác nhiều hơn với mọi người thì mới cải thiện được tình trạng chậm nói" - anh T. kể.
Trường hợp của anh T. là một trong 60% cha mẹ đưa con đến Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, thăm khám khi nhận thấy con có bất thường về ngôn ngữ.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Cụ thể: có các khiếm khuyết về não bộ và hệ thần kinh; khó khăn trong việc kết âm như khó bật âm, khó vận dụng các bộ máy phát âm (dính thắng lưỡi); môi trường ngôn ngữ chưa phù hợp như có quá nhiều thứ tiếng cùng lúc, ít được tương tác hoặc tiếp xúc, ít được nghe và sử dụng ngôn ngữ; sự giáo dục chưa phù hợp như các hướng dẫn từ ngữ, mẫu câu chưa đúng thời điểm; thiếu kỹ năng tương tác và giao tiếp.
Liên quan đến các trường hợp trẻ chậm nói do dính thắng lưỡi, TS-BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết mỗi ngày có hàng chục cha mẹ đưa trẻ đến khám vì mắc chứng này.
"Thắng lưỡi nằm dưới bụng lưỡi hình tam giác có vai trò vận động lưỡi và định hướng di chuyển của lưỡi. Bộ phận này giúp trẻ thực hiện hoàn chỉnh khả năng bú, nuốt và phát âm. Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mang yếu tố di truyền khiến trẻ nuốt khó, gặp khó khăn khi phát âm, gây ngọng nghịu" - bác sĩ Đẩu thông tin.
Theo bác sĩ Đẩu, thời gian lý tưởng để phẫu thuật cắt tạo hình thắng lưỡi cho bé là từ 3- 6 tháng. Vì khoảng thời gian này trẻ đủ khỏe mạnh để chịu đựng tốt tiến trình phẫu thuật. Đặc biệt, khi trẻ chưa mọc răng cửa sẽ tránh tình trạng cắn lưỡi sau phẫu thuật do lưỡi bị tê. Nếu trẻ đã mọc răng, sau phẫu thuật có thể cho trẻ uống sữa lạnh, ngậm kẹo mút để tránh tình trạng cắn lưỡi.
"Để nhận biết trẻ có bị dính thắng lưỡi hay không sẽ có một số dấu hiệu sau: Nhìn trực tiếp thấy thắng lưỡi ngắn rõ; đầu lưỡi bị lõm hình trái tim; khó bú, khó nuốt; nói ngọng một số từ như th, tr, ch… Về phát âm, nếu thắng lưỡi bị ngắn hoặc bám sai vị trí bé sẽ khó nói các từ phải đưa lưỡi xa về phía trước, phải cong lưỡi lên trên, hoặc áp lưỡi vào mặt trong răng trên" - bác sĩ Đẩu nói.
Bác sĩ Đẩu cũng lưu ý trẻ nói ngọng, chậm nói, sau khi cắt thắng lưỡi sẽ cải thiện rất rõ rệt. Tuy nhiên, nếu từ hơn 3 tuổi trở lên mới cắt thắng lưỡi thì phải tham gia lớp tập nói tại bệnh viện hoặc cha mẹ được hướng dẫn về nhà tập cho bé sửa những lỗi sai. "Không thể đặt niềm tin cắt thắng lưỡi xong sẽ nói tốt hoàn toàn. Bởi em bé có thói quen nói sai từ nhiều năm trước, muốn thay đổi thói quen đó thì phải có sự rèn luyện lại theo hướng dẫn đúng" - bác sĩ Đẩu nhấn mạnh.
Quan tâm, tương tác thường xuyên với trẻ
Trước thắc mắc cuộc sống hiện đại có làm gia tăng trẻ chậm nói không, chuyên viên tâm lý Hải Uyên cho rằng đây chỉ là một trong những nguyên nhân tác động đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên, giữa hai trẻ cùng mốc phát triển ngôn ngữ, trẻ được tương tác, giao tiếp và hoạt động nhiều sẽ có khả năng diễn đạt ngôn ngữ cao hơn trẻ xem nhiều thiết bị điện tử. "Xem thiết bị điện tử là sự tương tác một chiều, trẻ theo dõi các diễn biến trên thiết bị mà không có phản hồi lại, lâu dần sẽ ảnh hưởng tới khả năng tương tác hai chiều của trẻ, giảm phản xạ với ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày" - bà Uyên lý giải.
Hiện nay, nhiều cha mẹ cho trẻ xem các chương trình tiếng Anh nhằm giúp con phát triển ngoại ngữ sớm. Tuy nhiên, bà Uyên cho rằng việc này hại nhiều hơn lợi. Ở giai đoạn đầu đời, trẻ dễ ghi nhớ, học hỏi. Vì vậy, trẻ dễ có khả năng ghi nhớ vốn từ tiếng Anh, lâu dần ưu tiên sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, trong khi môi trường học tập và sinh hoạt gia đình vẫn sử dụng tiếng Việt. "Hai ngôn ngữ cùng tham gia khi trẻ chưa ổn định sự phát triển có thể gây rối loạn hoặc cản trở sự cải thiện ở những trẻ chậm nói. Cha mẹ có thể cho trẻ xem các chương trình tiếng Anh, trang bị ngôn ngữ thứ 2 khi ngôn ngữ chính đã ổn định, tức khi trẻ hiểu lời, diễn đạt được câu" - bà Uyên giải thích.
Để phòng ngừa chậm nói ở trẻ, cha mẹ nên quan tâm đến các mốc phát triển ngôn ngữ của con theo từng độ tuổi. Nếu con chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cần thăm khám hoặc tư vấn ở các cơ sở chuyên môn để có định hướng can thiệp; cung cấp vốn từ và mẫu câu trong sinh hoạt hằng ngày (gọi tên, mô tả ngắn các sự vật, sự việc trước mắt trẻ); tương tác bằng câu hỏi, gọi tên; cho trẻ tham gia các môi trường tập thể đồng trang lứa và cần cho trẻ đến trường mầm non khi đủ tuổi đi học.
Các mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Từ 0-3 tháng: có thể nghe, nhìn về hướng giọng nói, cười, khóc theo nhu cầu khác nhau và phát ra âm thanh như gù gù.
Từ 4-6 tháng: phản ứng lại với giọng nói, tên gọi, cười thành tiếng; thổi bọt bong bóng, tặc lưỡi, bắt đầu bập bẹ.
Từ 7-9 tháng: quay đầu về nguồn âm thanh; phát âm ba... ba, ma... ma.
Từ 10-12 tháng: hiểu từ "không được", biết làm theo 1 hành động có kèm cử chỉ; nói ba… ba, ma… ma hoặc có thể nói thêm 1 từ khác.
Từ 13-18 tháng: nói được 20-25 từ đơn và hiểu được những yêu cầu đơn giản.
Từ 19-23 tháng: gọi tên được 1 hình và bắt đầu sử dụng câu 2 từ như "đi chơi", "con bò"…
Trẻ 2-3 tuổi: nói câu trên 2-3 từ, có thể trả lời câu hỏi ở đâu, đang làm gì…
Từ 3-4 tuổi: nói được câu 4-5 từ, biết đặt câu hỏi, kể chuyện đơn giản, phân biệt được cứng - mềm, trước - sau.
Từ 4-6 tuổi: trả lời được câu hỏi khi nào và kể được câu chuyện dài; biết so sánh cao thấp, phân biệt hôm qua - hôm nay, phải - trái.