Đối đãi chân thành với người lao động
Trải qua vô vàn khó khăn do dịch bệnh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên chăm lo cho người lao độn
Hơn 2 năm qua, Công ty TNHH Phát triển thương mại Tuyết Hạnh (quận Gò Vấp, TP HCM; chuyên sản xuất vali, túi xách, ví...) liên tục đối mặt với những khó khăn, có thời điểm phải đóng cửa, cho công nhân (CN) nghỉ việc. Dù vậy hiện tại, lao động ở doanh nghiệp (DN) rất ít biến động. Một trong những nguyên nhân khiến CN gắn bó với công ty là vì tình cảm và sự quan tâm, chăm lo của ban giám đốc dành cho họ.
Nâng lương, cải thiện bữa ăn
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Liên, Chủ tịch Công đoàn công ty, DN chỉ là đơn vị gia công, do vậy khi đứt nguồn hàng thì gần như không có lợi nhuận. Tuy nhiên, với chủ trương phải giữ được lực lượng lao động lành nghề, 2 năm qua, dù Chính phủ không điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhưng ban giám đốc vẫn duy trì tăng lương định kỳ cho CN vào tháng 6 hằng năm. Mức điều chỉnh từ 300.000 - 500.000 đồng/người/tháng tùy vị trí, công việc.
Bên cạnh đó, công ty còn áp dụng chính sách tăng lương đột xuất khi CN có năng suất lao động cao, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng. Chính sách tăng lương được niêm yết công khai và điều này làm động lực để CN không ngừng nâng cao tay nghề. Bà Liên cho biết năm nay đơn hàng DN tạm ổn định, do đó DN đã có kế hoạch tăng lương định kỳ cho NLĐ vào giữa năm. Mới đây, khi vật giá leo thang do giá xăng dầu tăng, công ty đã nâng tiền ăn giữa ca lên 20.000 đồng/suất để bảo đảm dinh dưỡng cho NLĐ.
Công nhân HTX Mây tre lá Ba Nhất luôn được chăm lo mọi mặt để an tâm sản xuất
Tương tự, hơn 2 năm qua, HTX Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn duy trì xét tăng lương định kỳ hằng năm cho người lao động (NLĐ) làm việc ở khâu nặng nhọc. Mức tăng tùy tình hình tài chính của HTX nhưng tối thiểu là 3%. Với những bộ phận bị ảnh hưởng do dịch bệnh, HTX sẽ có chính sách hỗ trợ lương để bù thu nhập cho họ. Theo ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn HTX, cả ban giám đốc và NLĐ đều khó khăn vì dịch bệnh, tuy nhiên, để hài hòa lợi ích đôi bên, ban giám đốc đã nỗ lực chăm lo cho NLĐ trong khả năng của mình. Nhất là việc hỗ trợ bữa ăn cho NLĐ. Điều đặc biệt ở Ba Nhất là hầu hết gia đình CN đều ở trong khu lưu trú xây dựng trong khuôn viên rộng rãi của nhà máy. Để chăm lo tốt nhất cho NLĐ, HTX có bếp ăn tập thể phục vụ miễn phí 3 bữa ăn trong ngày cho cả gia đình NLĐ (gồm vợ chồng, con cái). Ngoài bữa ăn, bếp ăn còn cung cấp thêm nước uống dinh dưỡng cho NLĐ để tăng sức đề kháng. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, việc mua thực phẩm rất khó khăn, chi phí tăng cao nhưng để bảo đảm dinh dưỡng cho CN, DN đã cố gắng tìm những nhà cung cấp uy tín, giá cả hợp lý nhất để không làm giảm chất lượng bữa ăn của NLĐ.
Bảo đảm sức khỏe người lao động
Công ty TNHH Tai Nan International Vietnam (quận 8, TP HCM) cũng rất chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, trong đó có bữa ăn giữa ca.
Bà Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết hiện suất ăn của CN có giá 17.000 đồng/suất nhưng thực tế chi phí DN bỏ ra cao hơn nhiều. Bếp ăn phục vụ theo nhu cầu của NLĐ, thực đơn hằng ngày được đưa lên nhóm Zalo "Món ngon mỗi ngày" với ít nhất 3 món mặn được thay đổi mỗi ngày để NLĐ lựa chọn, góp ý. Hằng năm, DN đều xét tăng lương (từ 5% cho NLĐ) nhưng năm 2021, do đã bỏ ra chi phí quá lớn để thực hiện công tác phòng chống dịch, cộng với những khó khăn khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ nên buộc phải tạm ngưng điều chỉnh lương định kỳ. Tuy nhiên năm nay, khi sản xuất kinh doanh thuận lợi trở lại, cùng với việc tăng cường dinh dưỡng cho CN, sắp tới DN và Công đoàn sẽ thương lượng để điều chỉnh lương cho NLĐ.
Tại Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (quận Bình Thạnh, TP HCM), suất ăn giữa ca của CN hiện tại là 30.000 đồng/suất. Ngoài bữa ăn ngon, DN còn bổ sung sữa, vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho họ. Không chỉ vậy, Công đoàn và DN đầu tư các sân chơi thể thao và khuyến khích CN chơi các môn như cầu lông, xà đơn, đá cầu... để rèn luyện sức khỏe.