Dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của giáo viên, học sinh
Ngày 20.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Trong đó đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhìn nhận thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp.
Một là cấm, hai là quản lý
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) đồng thuận với những nội dung đưa ra trong dự án luật nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại điểm c khoản 2 Điều 11, hành vi bị nghiêm cấm là ép học sinh tham gia học thêm dưới nhiều hình thức. Theo đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với vấn đề này. Bởi, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý. Do đó, trong dự án luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm - học thêm.
Góp ý thảo luận dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, quy định không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức là cần thiết. Tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Giáo dục. Đó là cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ.
Yêu cầu nhóm yếu học thêm là điều cần thiết
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, cùng chương trình học, cùng giáo viên, nhưng mức độ tiếp thu của học sinh khác nhau. Học lực trong một lớp có thể chia thành ba nhóm. Nhóm đạt tiêu chuẩn thường là 80%, nhóm vượt trội 9-10% và nhóm không theo kịp bạn bè 10%.
“Việc yêu cầu nhóm yếu học thêm để theo kịp bạn là cần thiết”, đại biểu nói.
Đại biểu đồng tình việc học thêm với mục đích “để có điểm cao hơn năng lực thực sự”, do người dạy thêm không khách quan, cần chấm dứt. Ông đề xuất ngành giáo dục xây dựng ngân hàng đề thi của từng chủ đề ở các môn học. Cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô dạy thêm với chính học sinh của mình thì bài kiểm tra phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng tiêu cực, phân biệt đối xử với em không học thêm và phản ánh đúng năng lực học sinh.
Chủ trương là không cấm dạy thêm
Đối với vấn đề dạy thêm học thêm được một số đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, chủ trương là không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi vi phạm đạo đức về dạy thêm, trong đó có việc “giáo viên ép buộc học sinh học thêm”.
Về một số ý kiến đối với xếp lương nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng, bộ cũng phải nhìn cùng các ngành khác, không muốn ngành của mình có đặc quyền, đặc lợi hay ưu ái “bất thường”.
Nhấn mạnh tiếp thu tối đa các ý kiến, bao gồm 90 ý kiến thảo luận tại tổ và 36 ý kiến thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng một phần vì khó khăn của nhà giáo nhưng lý do chính yếu cần xây dựng và ban hành Luật là để phát triển đội ngũ nhà giáo.