A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cụ ông 80 tuổi với đam mê dạy chữ Nôm Dao nơi vùng cao Hoà Bình

Với tâm nguyện giữ gìn và phát huy đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc, ông Bàn Văn Thân đã mở lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho nhiều thế hệ trẻ tại xóm vùng cao lòng hồ Hoà Bình.

Cụ ông 80 tuổi với đam mê dạy chữ Nôm Dao nơi vùng cao Hoà Bình

Cụ ông Bàn Văn Thân đã 80 tuổi nhưng vẫn giữ được đam mê truyền dạy chữ Nôm Dao. Ảnh: Minh Tùng

Truyền dạy chữ viết cổ cho lớp trẻ

Những ngày giữa tháng 10, PV Báo Lao Động có mặt tại xóm Dướng, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình để tìm hiểu về người thầy giáo đặc biệt, người đang gìn giữ và “ươm mầm” cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hoá dân tộc qua những chữ viết Nôm Dao trong suốt hơn 15 năm qua. Đó chính là ông Bàn Văn Thân năm nay đã ngoài 80 tuổi.

Người thầy giáo đặc biệt luôn cởi mở, dễ gần, cách nói chuyện của ông luôn tạo cho người nghe cảm giác hào hứng, tò mò về quá trình ông gây dựng lại nét chữ, văn hoá dân tộc Dao Tiền.

Theo ông Thân, những người đọc thông, viết thạo chữ của người Dao Tiền ở độ tuổi ông hiện không còn nhiều, nhưng vì không muốn văn hoá bản sắc dân tộc mình bị mai một, nên hiện nay ông cùng các cao niên trong xóm nghiên cứu, biên soạn và truyền lại cho con cháu về chữ viết của dân tộc mình từ xa xưa.

Thầy giáo Thân cùng các cụ cao niên trong xóm trao đổi, nghiên cứu về chữ viết và văn hoá dân tộc Dao Tiền. Ảnh: Minh Tùng.

Thầy giáo Thân cùng các cụ cao niên trong xóm trao đổi, nghiên cứu về chữ viết và văn hoá dân tộc Dao Tiền. Ảnh: Minh Tùng

Ông Thân cho biết, tổ tiên của người Dao từ xưa đã biết sử dụng chữ viết để ghi chép lại các văn tự quan trọng như chia tài sản của bố mẹ cho con cháu, văn tự mua, bán ruộng nương, nhận con nuôi, gia phả trong dòng họ. Chữ viết của người Dao còn được dùng phổ biến trong các lễ hội như cấp sắc, tết nhảy và tục treo tranh.

Từ những tìm hiểu sâu xa, ông chia sẻ, xưa kia để bảo tồn chữ viết của dân tộc mình, các gia đình, dòng họ người Dao thường tổ chức truyền dạy chữ Hán - Nôm cho con cháu vào dịp đầu xuân năm mới. Đây cũng là dịp để tuyên dương việc học chữ, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề và học làm người.

Chiếc xe cùng ông Thân đi giảng dạy chữ Nôm Dao cho bà con trong nhiều năm qua. Ảnh: Minh Tùng.

Chiếc xe cùng ông Thân đi giảng dạy chữ Nôm Dao cho bà con trong nhiều năm qua. Ảnh: Minh Tùng

“Tiếc rằng, truyền thống đó không còn được người Dao Tiền duy trì lâu và càng ngày có nguy cơ mai một. Đến năm 2009, nhờ sự trợ giúp của những thành viên mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình, tôi đã lập tờ trình đề nghị UBND xã Vầy Nưa cho dạy phổ biến chữ Nôm Dao cho cán bộ và người dân địa phương”, ông Thân kể.

Biết được thông tin về lớp học, nhiều người dân ở các xóm Dướng, Lau Bai, Mó Nẻ đã đăng ký và quyết tâm theo học, để sau này truyền dạy lại cho bà con trong xóm và con cháu hiểu về nguồn cội dân tộc, đây cũng là một cách giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Tham gia lớp học, các học viên tự nguyện đóng 50.000 đồng/tháng để hỗ trợ giáo viên và đảm bảo các chi phí sinh hoạt khác. Các lớp học được tổ chức vào thứ Bảy hàng tuần và cứ đúng lịch là “thầy giáo” Thân lại vượt đường rừng đến các điểm dạy để truyền đạt chữ viết và văn hoá cho bà con trong xóm và các xã lân

Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc

Anh Bàn Văn Thành (45 tuổi, học viên lớp học chữ Nôm Dao) cho biết: “Lớp học của chúng tôi hiện nay có hơn 20 người, đều trú tại xóm Dướng. Khi tham gia lớp học này, tôi thấy tự hào vì được tìm hiểu về chữ viết và lịch sử văn hoá dân tộc của mình, tôi sẽ cố gắng tiếp thu thật tốt để truyền đạt lại cho con cháu sau này”.

Theo anh Thành, chữ của người Dao có tính giáo dục rất sâu sắc, cần được thế hệ sau kế thừa và phát huy. Con cháu nhìn vào đó để học tập, phấn đấu trở thành những người công dân có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Học viên lớp chữ Nôm Dao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Minh Tùng.

Học viên lớp chữ Nôm Dao gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Minh Tùng

Anh Bàn Văn Linh - Trưởng xóm Dướng cho hay, với khả năng hiểu biết uyên thâm ở nhiều lĩnh vực, có thể nói thông, viết thạo ngôn ngữ của nhiều dân tộc, ông Thân đã tự tay viết hàng trăm cuốn sách cổ bằng chữ quốc ngữ, chữ nôm.

“Mỗi cuốn sách đều có tính giáo dục trên một lĩnh vực. Sách thì dạy làm người, sách thì truyền đạt kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng rừng, khuyên răn con cháu không mắc các thói hư, tật xấu”, anh Linh cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Xa Văn Si - Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết, xã Vầy Nưa có đến 50% dân số là bà con người dân tộc Dao Tiền. Qua các lớp học của ông Thân, có đến hàng trăm người đã biết chữ Nôm Dao và văn hoá dân tộc mình.

“Ông Thân là người có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng và luôn mong muốn con cháu thấy cái hay, cái đẹp, sống có lý tưởng, hoài bão, trở thành người có ích cho quê hương”, vị lãnh đạo nhận xét.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết