A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nhân san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, không ít công nhân quyết định nghỉ việc về quê, nhưng cũng có nhiều công nhân lựa chọn ở lại san sẻ khó khăn và cùng doanh nghiệp vượt khó.

Công nhân san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

Mặc dù thu nhập bị giảm sút không đủ trang trải cuộc sống nhưng chị Nguyễn Thị Nhung vẫn đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: Phương Ngân

Đã 3 tháng qua, chị Nguyễn Thị Nhung (33 tuổi), công nhân tại Công ty TNHH Thương mại MZ Việt Nam (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) bị giảm giờ làm do công ty gặp khó khăn về đơn hàng.

Thu nhập của chị Nhung mỗi tháng sau khi trừ bảo hiểm chỉ hơn 7 triệu đồng. Nhiều tháng nay, doanh nghiệp gặp khó khăn, chị Nhung phải nghỉ thêm ngày thứ 6, thứ 7 nên thu nhập cũng giảm theo. Chị chia sẻ, tháng đầu công ty sắp xếp cho công nhân nghỉ phép năm, nhưng 2 tháng trở lại đây, chị cùng nhiều công nhân được hưởng lương 180 nghìn đồng/ngày nghỉ.

Cùng làm công nhân, những tháng gần đây công ty của chồng chị Nhung làm việc cũng không được tăng ca. Trong khi đó, hai đứa con của chị sắp bước vào lớp 6 với nhiều chi phí phải lo, thu nhập của cả hai vợ chồng tằn tiện lắm mới vừa đủ chi tiêu.

“Từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh cũng hơn 10 năm, chúng tôi hiểu chi phí tại TP Hồ Chí Minh đắt đỏ nên sinh hoạt rất tiết kiệm, thế nhưng khi 2 vợ chồng bị giảm giờ làm số tiền kiếm được phải chật vật lắm mới đủ chi tiêu, có tháng thiếu trước hụt sau” - chị Nhung chia sẻ.

Nhiều đồng nghiệp của chị Nhung khi bị giảm giờ làm đã bỏ về quê, nhưng chị vẫn quyết định ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp với hy vọng công ty sớm có đơn hàng.

Cách dãy trọ của chị Nhung khoảng 100m - con hẻm trên đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, Quận 7, là nơi trú ngụ của hai vợ chồng chị Trịnh Thị Mỹ Thảo (33 tuổi - quê Nha Trang). Gặp chúng tôi khi vừa đi làm về, chị Thảo chỉ lắc đầu thở dài khi nghe hỏi về công việc.

Chị Thảo là công nhân may tại Công ty TNHH Quốc tế S.N (Quận 7), cũng như nhiều công ty khác, công ty của chị cũng thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân phải nghỉ thêm ngày thứ 7.

Tâm sự với chúng tôi về những khó khăn thường trực, chị Thảo xúc động kể, chị bị giảm giờ làm, còn chồng chị làm phụ xe đang có khả năng bị cắt giảm. Công việc khó khăn, và nguy cơ chồng bị mất việc khiến chị cảm thấy lo lắng, thế nhưng chị Thảo vẫn không có ý định rời bỏ doanh nghiệp để đi tìm việc nơi khác.

“Tình hình khó khăn chung, có đi đâu cũng vậy, sang nơi khác làm công nhân mới thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập đó sẽ khó sống tại TP Hồ Chí Minh. Mặt khác, khi đại dịch COVID-19 xảy ra tình hình vô cùng khó khăn, doanh nghiệp đã không bỏ công nhân thì nay doanh nghiệp khó mình cũng không thể bỏ đi” - chị Thảo nói.

Đồng quan điểm với chị Thảo, anh Quách Văn Ngà (quê Sóc Trăng) - công nhân tại một công ty xi măng (Quận 7) cũng chấp nhận đồng hành cùng doanh nghiệp, mặc dù thu nhập của anh cũng bị giảm do tình hình khó khăn.

“Nếu thu nhập trước đây được 8 - 9 triệu đồng/tháng thì nay công ty ít việc thu nhập chỉ còn từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Mặc dù số tiền đó sẽ khó khăn cho việc chi tiêu nhưng tôi nghĩ chắt bóp một chút rồi cũng đủ” - anh Ngà tâm sự.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết