A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng chung tay lan tỏa mô hình khuyến đọc, khuyến học

Tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đọc và học đã trở thành phong trào mạnh mẽ, góp phần thay đổi thói quen, cuộc sống, bộ mặt nông thôn nơi đây.

*Điểm đến lý tưởng

Ra đời năm 2020, thư viện làng cò Đông Xuyên đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều người dân, thầy và trò xã Đông Tiến. Tách bạch với cảnh nhộn nhịp của mảnh đất công nghiệp Bắc Ninh, làng Đông Xuyên bình yên, thanh tịnh, thư viện làng dù rất đông độc giả đến đọc sách nhưng mỗi người nghiêm chỉnh, trật tự chọn cho ngồi hợp lý để lĩnh hội tri thức.

Cụ Nguyễn Thị Hoạt, 98 tuổi, người làng Đông Xuyên cho biết: Đã nhiều năm nay, bà luôn duy trì thói quen đọc sách tại thư viện. Ở đây có rất nhiều loại sách hay, thú vị như sách về các bài thuốc, truyện Kiều… Đặc biệt, với không gian rộng, sạch sẽ, mỗi khi đọc mỏi mắt, cụ lại đi lại trong khuôn viên cho khuây khỏa. Được hòa cùng niềm đam mê đọc sách của các cháu, bà thấy trẻ ra, cuộc sống vui vẻ hơn.

Còn với em Trương Trọng Quyền, lớp 8A4, học sinh Trường Trung học cơ sở Đông Tiến, việc đến thư viện, đọc sách đã mở ra chân trời tri thức đầy hứng khởi. Ở thư viện có rất nhiều loại sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng với em, sách lịch sử, nghiên cứu khoa học là lý thú nhất bởi em có thêm kiến thức về quá trình hình thành, phát triển của loài người, đất nước, thế giới. Với sách khoa học, em có thể tìm hiểu tri thức của nhân loại, tạo nền móng, củng cố việc học.

Sách của thư viện làng cò Đông Xuyên khá đa dạng, từ sách học tập, sách thiếu nhi, kỹ năng sống, đến sách văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ... Bà Đào Thị Khanh, làng Đông Xuyên, người đã dày công xây dựng và phát triển thư viện. Bà cho biết, thư viện được lập nên bằng tình yêu quê hương, đất nước, với mong muốn mang tri thức đến gần hơn với độc giả. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu khi thành lập, thư viện đã nhận được sự ủng hộ cả về vật chất, tinh thần rất lớn. Người góp công, người góp của, từ thư viện làng với 5.000 đầu sách ban đầu, đến nay thư viện có hơn 10.000 đầu sách. Thời gian tới, số lượng sách còn tiếp tục tăng lên khi nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm đến hoạt động của thư viện.

Với số lượng đầu sách lớn, việc bố trí không gian tiếp đón, hướng dẫn mượn sách được tổ chức khoa học. Để giúp thư viện hoạt động hiệu quả, có 4 thủ thư tình nguyện làm việc quản lý, mã hóa đầu sách… Sau khi được tập huấn, các cô đã giúp việc cấp thẻ thư viện, mượn-trả sách diễn ra khoa học, dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc.

Để thu hút bạn đọc, nhất là học sinh, bà Đào Thị Khanh đã xây dựng không gian đọc sách xanh, sạch, đẹp. Thư viện đã triển khai nhiều hoạt động truyền cảm hứng thông qua các buổi tọa đàm, giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, phương pháp học tập, trao đổi kiến thức, tặng sách, tôn vinh bạn đọc tiêu biểu... Đến nay, thư viện thường xuyên mở cửa vào dịp cuối tuần, thu hút đông đảo học sinh, người dân. Ước tính, mỗi ngày mở cửa thường thu hút từ 70-90 độc giả.

* Nhân lên các mô hình, dòng họ khuyến đọc, khuyến học

Hiệu quả từ thư viện làng cò Đông Xuyên đã là nguồn cảm hứng để xã Đông Tiến xây dựng các tủ sách gia đình, dòng họ, phát huy hiệu quả mô hình khuyến học mới. Ông Cao Văn Hà, Chủ tịch danh dự Quỹ khuyến học Ước mơ lớn, Trưởng Ban tư vấn Hội Khuyến học xã Đông Tiến cho biết: Thư viện làng cò Đông Xuyên là hình thức khuyến đọc đầu tiên và trở thành trung tâm lan tỏa văn hóa đọc trong xã. Đến nay, thư viện có gần 10.000 cuốn sách; thu hút gần 1.000 bạn đọc đăng ký thẻ bạn đọc.

Nhằm lan tỏa mô hình thư viện, khuyến đọc, tháng 11/2022 chương trình Phát triển tủ sách gia đình, dòng họ được phát động tại xã. Đến nay có hơn 300 tủ sách gia đình, 3 tủ sách dòng họ. Cùng với đó, mô hình thư viện xanh và tủ sách lớp học trong trường học giúp hoạt động đọc sách của thầy và trò được phát huy.

Mô hình tủ sách phụ nữ thôn Đông Thái, xã Đông Tiến là một mô hình hoạt động khá hiệu quả trong xây dựng xã hội học tập. Chị Cao Thị Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Thái, xã Đông Tiến cho biết: Hưởng ứng phong trào xây dựng tủ sách gia đình, Ban Chấp hành Chi hội họp, thống nhất xây dựng tủ sách gia đình đến từng chị em hội viên. Từ chỗ nhiều chị em không đồng thuận do chưa có điều kiện về kinh tế, lo đi làm, chị Nguyên đã bỏ kinh phí cá nhân, vận động nguồn xã hội hóa ủng hộ.

Tháng 3/2024, Câu lạc bộ Phụ nữ khuyến học thôn Đông Thái được thành lập. Chị Nguyên cùng các chị em trong câu lạc bộ tổ chức buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề khác nhau về kinh nghiệm sống, "giữ lửa" hạnh phúc gia đình, cách nuôi dạy con, chia sẻ sách hay; tặng sách cho chị em. Bởi vậy, nhiều chị em dần thay đổi nhận thức, thói quen, tự mình xây dựng tủ sách gia đình, đam mê đọc sách, hình thành thói quen đọc sách cho các thành viên trong gia đình. Đến nay, toàn thôn xây dựng 100 tủ sách. Thời gian tới, Chi hội sẽ tiếp tục xây dựng các tủ sách gia đình cho toàn bộ 300 hộ gia đình trong toàn thôn, chị Đỗ Thị Nguyên chia sẻ.

Hưởng ứng phong trào, chị Nguyễn Thị Thanh đã dành 1 phòng trong nhà, trang trí tạo không gian đọc sách lý tưởng cho chồng, con cùng đọc. Chị Thanh chia sẻ: Từ nhiều năm nay, gia đình chị đã duy trì thói quen đọc sách. Ban đầu chị chủ động mua sách, đọc cho các thành viên trong gia đình nghe. Đặc biệt, tùy theo sở thích từng người, chị lựa chọn các loại sách phù hợp. Dần dần tạo thành thói quen, mỗi buổi tối mọi người đều chọn cho mình 1 cuốn sách để đọc. Đến nay, tủ sách của gia đình chị có hơn 1.500 đầu sách. Nhờ duy trì thói quen đọc sách, kết quả học tập của các con chị có sự tiến bộ rõ rệt.



Đánh giá về mô hình khuyến học tại xã Đông Tiến tại lễ kỷ niệm 5 năm triển khai Mô hình khuyến học mới và Quỹ “Ước mơ lớn” ngày 23/4/2024, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá đây là điểm sáng tiêu biểu của tỉnh và toàn quốc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; điển hình của việc Học tập và làm theo lời Bác về chăm lo sự nghiệp trồng người…Bà Doan mong muốn mô hình này tiếp tục được đổi mới phù hợp, nhằm đạt kết quả toàn diện hơn nữa, từ đó lan tỏa mạnh mẽ hơn đến các địa phương khác...

Sau 5 năm triển khai xây dựng Mô hình khuyến học mới và Quỹ “Ước mơ lớn” (2019-2024), từ xã có phong trào giáo dục, khuyến học trung bình, Đông Tiến đang trở thành điểm sáng của huyện và tỉnh với phương châm truyền lửa, truyền cảm hứng học tập đến mọi người, mọi nhà. Mô hình khuyến học mới thu hút mọi tầng lớp nhân dân thi đua khuyến học với 5 trụ cột chính: Gia đình, dòng họ, khu dân cư, nhà trường và Hội Phụ nữ. Toàn xã có gần 900 tập thể, cá nhân được Quỹ "Ước mơ lớn" vinh danh; số học sinh giỏi các cấp, số học sinh đỗ đại học và số người đạt học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ tăng nhanh…

Ngoài Quỹ “Ước mơ lớn” của xã, tất cả các thôn và nhiều dòng họ cũng xây dựng quỹ khuyến học hàng trăm triệu đồng để tuyên dương cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác, học tập và lao động sản xuất…

Hiện Đông Tiến còn nổi bật với phong trào khuyến đọc, tủ sách dòng họ (điển hình là tủ sách họ Cao, họ Trương), tủ sách gia đình (toàn xã có 264 tủ sách gia đình) nhằm lan tỏa văn hóa đọc. Thành công bước đầu của mô hình khuyến học mới tại Đông Tiến có sự đồng hành, hỗ trợ và truyền cảm hứng mạnh mẽ của nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự nghiệp khuyến học.../.



Thái Hùng


Tác giả: Nguyễn Thái Hùng
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...