A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chắt chiu đón Tết xa quê

Cuộc sống còn không ít khó khăn nên nhiều công nhân chọn cách đón Tết đơn giản, tiết kiệm để dành lo cho tương la

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng là đến Tết Nguyên đán nhưng không khí tại khu lưu trú 351/11 An Dương Vương, phường 10, quận 6, TP HCM khá trầm lắng. Hơn 19 giờ, nhiều phòng trọ vẫn khóa cửa do công nhân (CN) tăng ca, làm thêm chưa về. Đa số CN khi được hỏi cho biết vẫn chưa sắm sửa gì cho gia đình đón Tết.
Chi tiêu dè sẻn

Trong căn phòng trọ nhỏ, chị Nguyễn Thị Mai (quê Thanh Hóa), CN một cơ sở xản xuất túi xách, vừa tranh thủ làm thêm vừa kèm cặp con gái làm bài.

Chị Mai quê Thanh Hóa, vào TP HCM đã gần 20 năm. Vợ chồng chị có 4 con, thu nhập bấp bênh nên chưa lần nào chị về quê thăm cha mẹ dịp Tết. Không về thăm quê nên năm nào chị cũng dành dụm tiền mua sắm quần áo, bánh kẹo, thực phẩm Tết và chuẩn bị sẵn phong bao lì xì cho con, cháu cùng cha mẹ hai bên từ rất sớm.

Chị Mai vừa đổi chỗ làm mới cách đây hơn 2 tháng, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng nên chỉ vừa đủ trả tiền trọ và chi phí sinh hoạt trong gia đình. Chồng chị là lao động tự do nên chi tiêu càng dè sẻn. Các năm trước, chị còn trông chờ thưởng Tết để lo cho gia đình nhưng năm nay, vì là CN mới nên nhiều khả năng không có thưởng.

"Đến giờ này tôi vẫn chưa sắm Tết, chỉ cố gắng dành dụm để có một khoản tiền mua quà gửi về biếu ông bà nội ngoại hai bên và lo cho các con" - chị Mai tiết lộ.

Về những dự định trong các ngày Tết, chị Mai cho hay chủ yếu gia đình chỉ nghỉ ngơi, ăn uống tại nhà trọ. Quê chồng ở Bến Tre khá gần nhưng cha mẹ chồng không có nhà cửa, phải ở nhờ người thân nên năm nào cả nhà chị cũng tranh thủ về chúc Tết xong lại quay lên TP HCM trong ngày. Mới đây, gia đình chị nhận được quà Tết từ chủ khu lưu trú và tổ chức Công đoàn nên phòng trọ cũng có không khí năm mới.

Chi tiêu tiết kiệm, hợp lý cũng là lựa chọn của gia đình chị Nguyễn Thị Bé, CN Công ty TNHH Sản xuất gia công đan len Đại Hồ (quận Bình Tân, TP HCM). Gia đình chị đang sống trong phòng trọ ở khu lưu trú 35/6A Nguyễn Văn Luông, quận 6.

Chờ giải cơn khát nhà ở xã hội

Chờ giải cơn khát nhà ở xã hội

Chị Bé gắn bó với công ty hơn 3 năm, thu nhập khoảng 5,3 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm bảo vệ, thu nhập cũng chỉ xấp xỉ 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập của 2 vợ chồng quá thấp trong khi đang ở trọ và nuôi con nhỏ nên anh chị luôn cân nhắc chi tiêu sao cho tiết kiệm nhất.

Quê chồng chị Bé ở Tiền Giang nhưng anh là bảo vệ, Tết vẫn phải đi làm nên năm nào cả nhà cũng tranh thủ về chúc Tết họ hàng rồi trở lại nhà trọ. Chuyện sắm Tết cũng được tối giản, vì đã có phần quà của chủ khu trọ và LĐLĐ quận 6. Chị chỉ mua một ít thực phẩm tươi chứ không sắm sửa gì thêm.

"Tiền làm ra không nhiều nên thay vì mua sắm, chúng tôi cố gắng dành dụm để đề phòng rủi ro và lo cho con cái sau này. Lâu nay, chúng tôi quen đón Tết đơn giản, miễn gia đình quây quần bên nhau là đủ" - chị Bé tâm sự.

Cố gắng Tết năm sau...

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở nhiều khu nhà trọ, so với mọi năm, năm nay hầu hết CN chọn đón Tết tiết kiệm, tiết giảm chi tiêu, mua sắm dè sẻn để dành tiền lo cho gia đình và dự phòng rủi ro.

Khi chúng tôi đến vào một tối mới đây, khu nhà trọ 79/4 Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân khá yên ắng vì đa số CN tăng ca chưa về. Phòng trọ của chị Nguyễn Thị Ngà (quê An Giang) là nơi hiếm hoi sáng đèn do chị bán tạp hóa cho CN tại khu trọ. Giáp Tết nhưng việc buôn bán của chị vẫn ế ẩm vì số đông CN thắt chặt chi tiêu.

Trước đây, vợ chồng chị Ngà có thời gian hơn 10 năm làm CN. Đến năm 2023, công ty ít đơn hàng, thu nhập giảm sút, chồng chị xin nghỉ, chuyển sang chạy xe công nghệ. Chị gắng gượng làm thêm một thời gian, sau đó bị mất việc do doanh nghiệp cắt giảm lao động. Thất nghiệp ở độ tuổi 40, khó xin việc mới, chị thuê mặt bằng ở khu trọ với giá 2 triệu đồng/tháng để bán tạp hóa sống qua ngày.

Nói về dự định đón Tết năm nay, chị Ngà thở dài: "Đi làm ăn xa mà về quê dịp Tết với đôi bàn tay trắng thì rất khó ăn nói. Vậy nên Tết năm nay, gia đình tôi ở lại nhà trọ để tiết kiệm. Về quê tốn kém rất nhiều chi phí, từ tiền xe đi lại đến quà cáp…".

Giống như chị Ngà, chị Trần Thị Quý (quê Bắc Kạn, CN Công ty TNHH PouYuen Việt Nam; đang ở trọ tại 156/2 Lê Đình Cẩn, quận Bình Tân) cũng quyết định đón Tết xa nhà. Hơn 20 năm nay, chị chưa lần nào về quê đón Tết cùng gia đình. Vì vậy, cứ Tết đến là lòng chị lại nặng trĩu.

Chồng chị Quý làm lao động tự do, thu nhập èo uột, gánh nặng kinh tế gia đình đổ đồn lên đôi vai chị nên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Cha chị mất sớm, mẹ năm nay đã ngoài 70 tuổi, sống ở quê cùng người em út. Mỗi dịp Tết, bà luôn mong chờ các con về đoàn tụ nhưng vì hoàn cảnh, chị chỉ có thể gửi ít tiền về biếu.

"Cứ đến giao thừa, tôi tranh thủ gọi điện thoại về nhà để mừng tuổi mẹ. Tôi sẽ cố gắng dành dụm để năm tới, cả nhà có cơ hội cùng mẹ đón Tết cho thỏa nỗi nhớ mong" - chị Quý bày tỏ. 

Bữa cơm nghĩa tình ấm áp

LĐLĐ quận Bình Tân tối 16-1 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Quận Đoàn tổ chức chương trình "Bữa cơm nghĩa tình" tại khu trọ của bà Nguyễn Minh Hoàng (156/1/2 Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo).

Tại chương trình, gần 100 gia đình CN đã thưởng thức bữa cơm ấm cúng với các món ăn truyền thống ngày Tết. Các gia đình còn hát karaoke, tham gia đố vui có thưởng trong không khí ấm áp.

Dịp này, ban tổ chức đã trao 50 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng, cho CN có hoàn cảnh khó khăn, không thể về quê đón Tết.

N.Huỳnh

 


Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...