A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Càng khó, càng gắn kết

Nhiều mô hình chăm lo, gắn kết giữa công nhân và doanh nghiệp đã được các Công đoàn cơ sở tại TP Đà Nẵng triển khai ngay trong những ngày khó khăn vì đại dịch nay vẫn phát huy hiệu quả

Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ", "Vườn rau phế phẩm" tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã kịp thời cung cấp rau xanh cho hơn 150 công nhân (CN). Sau khi dịch bệnh được khống chế, không chỉ phục vụ CN tại công ty, vườn rau còn cung cấp giống miễn phí cho các doanh nghiệp (DN) lân cận nhằm nâng cao đời sống CN.

Thiết thực

Người có ý tưởng xây dựng "Vườn rau phế phẩm" là ông Đậu Minh Công, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam. Năm 2019, tận dụng mảnh đất trống rộng gần 100 m2 trong khuôn viên nhà máy, ông Công và anh em CN đã trồng những giống rau cơ bản như: bí đao, mướp, rau ngót, cải.

Càng khó, càng gắn kết - Ảnh 1.

Niềm vui của anh Đỗ Văn Việt sau khi nhận voucher mua hàng giá rẻ tại siêu thị mini Tân Long

Mang tên "Vườn rau phế phẩm" là vì rau được tưới từ nguồn nước thải sau các công đoạn sản xuất bia. Nước thải sẽ được xử lý lại một lần nữa để đạt chuẩn tưới cho rau sạch. Cán bộ Công đoàn và CN thay phiên nhau chăm sóc vườn rau, định kỳ nhổ cỏ, bón phân vào thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần. Từ 100 m2, nay vườn rau đã được mở rộng 500 m2, cung cấp 80% lượng rau cho nhà ăn công ty. Không chỉ là nơi cung cấp rau sạch, vườn rau còn là địa chỉ gắn kết tổ chức Công đoàn và người lao động (NLĐ). Mỗi khi vườn rau cho sản lượng tốt, rau sạch cũng được chia cho CN, mỗi người một ít xem như là món quà nhỏ nhưng rất thiết thực của Công đoàn.

Mô hình "Siêu thị mini Tân Long" của Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) được hình thành trong giai đoạn sản xuất "3 tại chỗ". Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu, xuất phát điểm của siêu thị chỉ là một nơi gom nhu yếu phẩm, với khoảng 300 mặt hàng như gạo, đường, mắm, muối... để lo cho 400 CN đang sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" ở công ty. Sau hơn 8 tháng, siêu thị đã có gần 1.500 mặt hàng. Điều đặc biệt là CN có thể mua hàng bằng voucher được thưởng trong quá trình lao động sản xuất.

"Phối hợp với Công đoàn cơ sở để triển khai mô hình siêu thị, ban giám đốc mong muốn giúp CN tiếp cận hàng hóa chất lượng cao với giá sỉ, từ đó bớt đi gánh lo. Từ khi có siêu thị, lãnh đạo công ty thường xuyên thưởng voucher cho CN, giúp họ có thêm động lực làm việc" - bà Hà chia sẻ. Là khách hàng thường xuyên của siêu thị, anh Đỗ Văn Việt (quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho hay nếu làm việc chăm chỉ, mỗi tháng anh tiết kiệm được gần 2 triệu đồng chi phí. "CN đạt năng suất cao, tuân thủ kỷ luật sẽ được công ty thưởng voucher mua hàng trị giá từ 150.000 - 200.000 đồng. Voucher được đổi thành sữa, gạo, mắm, thịt... tại siêu thị mini. Với mức giá ít biến động, vợ chồng tôi tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, cuộc sống đỡ vất vả hơn" - anh Việt bày tỏ.

Tăng gắn kết

Thời gian đầu thành lập, giữa ban giám đốc Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (UAC Vietnam, 100% vốn của Mỹ, chuyên sản xuất linh kiện máy bay, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) và tập thể NLĐ chưa tìm được tiếng nói chung. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu được chia sẻ thông tin về tình hình DN, điều kiện làm việc, thu nhập cũng như chính sách hỗ trợ NLĐ buộc hai bên phải tìm đến nhau. Do vậy, việc sớm thành lập Công đoàn tại DN là yêu cầu sống còn.

Từ nỗ lực vận động của Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Công đoàn cơ sở UAC Vietnam được hình thành. Ông Võ Văn Phước, Chủ tịch Công đoàn UAC Vietnam, cho biết dù chưa có kinh nghiệm hoạt động nhưng ban chấp hành lâm thời vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ nhằm đáp kỳ vọng của NLĐ. Dấu ấn đầu tiên của Công đoàn là vận động CN đồng thuận tạm xa gia đình, khăn gói đến công ty để làm việc "3 tại chỗ". Trong suốt thời gian dịch bệnh, UAC Vietnam là một trong những đơn vị thực hiện "3 tại chỗ" bài bản nhất tại Đà Nẵng. Ngoài việc không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, công ty còn bảo đảm sản xuất đạt tiến độ đơn hàng. Thành công bước đầu này của Công đoàn cơ sở đã giúp DN thay đổi cách nhìn về tổ chức Công đoàn. Chỉ sau 6 tháng hoạt động, số lượng đoàn viên tăng từ 400 lên 600 người (chiếm 75% số lao động).

Cũng được duy trì, phát triển sau dịch bệnh là mô hình "Ký túc xá cho CN" do Công đoàn Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu khởi xướng. Để bảo đảm sức khỏe cho CN ở xa, Công đoàn cơ sở đã đề xuất lãnh đạo công ty thuê lại một khách sạn gần chỗ làm cho CN tá túc, giá thuê chỉ 300.000 đồng/người/tháng. Mô hình được tập thể CN đón nhận và ban giám đốc đánh giá cao. Đánh về tính hiệu quả của các mô hình để chăm lo, hỗ trợ CN do Công đoàn khởi xướng, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, khẳng định: "DN và NLĐ luôn mong muốn Công đoàn phải là cầu nối thực sự hiệu quả, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Với sự năng động, sáng tạo trong việc thiết kế, triển khai các mô hình chăm lo, đội ngũ cán bộ Công đoàn đã góp phần khẳng định vị thế của tổ chức đại diện hợp pháp cho NLĐ tại DN".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...