Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Nhiều lao động trẻ nỗ lực phấn đấu trong công việc và chọn cách tận hưởng cuộc sốn
Trong khi thị trường lao động, việc làm thế giới đang đối diện với hiệu ứng "ngưng làm việc trong im lặng" (quiet quitting) sau khủng hoảng dịch COVID-19 thì nhiều nơi khác, lao động trẻ đang làm việc một cách hăng say, đủ loại công việc, có thể làm nhiều công việc cùng một lúc. Đó là trào lưu "workaholic" - tạm dịch là nghiện công việc. Trào lưu này dùng để chỉ những người làm việc một cách say mê, quên luôn thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
"Cày" vì sợ lỡ cơ hội
Võ Thị Trúc Ly (25 tuổi, quê Quảng Trị) có 3 năm kinh nghiệm ở vị trí chuyên viên sáng tạo nội dung cho một công ty truyền thông tại quận 3, TP HCM. Mỗi ngày, lịch làm việc của Ly bắt đầu từ 8 giờ và làm liên tục đến 22 giờ, 7 ngày trong tuần đều như vậy.
Lao động trẻ có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi
Ly chỉ biết làm việc và làm việc, ăn uống gặp đâu ăn đó, nhà trọ thì thuê người dọn theo giờ, quần áo ra tiệm giặt ủi… Hơn một năm nay, Ly chưa đi du lịch, cũng chưa về quê thăm gia đình bởi bận việc. Ly lý giải rằng công ty thiếu người, vì quen việc nên lãnh đạo giao toàn bộ mảng nội dung các dự án truyền thông của công ty cho Ly làm. Công ty nhận càng nhiều dự án thì lịch làm việc của Ly cũng nhiều thêm. Cứ thế, Ly trôi theo công việc.
"Cũng khá áp lực và đôi lúc mệt mỏi nhưng đổi lại tôi được trả công xứng đáng. Tôi muốn tranh thủ thời điểm này để "cày" kiếm tiền lo cho gia đình, sau đó thực hiện ước mơ du học ấp ủ từ lâu của tôi" - Ly bộc bạch.
Đặng Thị Trâm Anh (26 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) - hiện là một freelancer (làm việc tự do) cho biết không nhất thiết phải vắt kiệt sức như vậy. Trâm Anh sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, vào làm việc cho một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối vật tư nông nghiệp của Đức tại Việt Nam với vị trí trợ lý kinh doanh. Làm được 4 năm, Trâm Anh xin nghỉ để tự kinh doanh online và làm dịch thuật cho các nhãn hàng của Đức kinh doanh tại Việt Nam.
"Sau 4 năm làm việc cho tập đoàn nước ngoài, tôi cảm nhận mình bị bào mòn sức lực. Thu nhập cao nhưng rất khó để cân đối cuộc sống cá nhân. Tôi còn nhiều dự định chưa thực hiện nên chọn cách làm tự do để theo đuổi những dự định đó. Giờ thì tôi hài lòng với cuộc sống tự do của mình, tuy đôi lúc cũng gặp khó khăn về tài chính" - Trâm Anh nói.
Theo các nhà xã hội học, nhiều lao động trẻ hiện thích được xem là những "workaholic" bởi cảm giác bận rộn trong công việc khiến họ cảm thấy mình có ích và đang tạo ra giá trị cho bản thân và xã hội. Nhiều trường hợp lại mắc chứng FOMO - một hiệu ứng tâm lý khiến người ta luôn cảm thấy sợ bị bỏ lỡ cơ hội khi không chạy theo đám đông trong công việc. Họ sợ một phút lơ là có thể khiến mình bỏ sót những thay đổi quan trọng, trễ tiến độ hay bị xem là không toàn tâm cho công việc.
Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình
Bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc marketing và hợp tác chiến lược của Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet (quận 1, TP HCM), nhìn nhận "Workaholic" có thể là cách mà lao động trẻ lựa chọn để nhanh chóng thăng tiến trong công việc hoặc để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, một khi nghiện làm việc mà quên đi nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến ảnh hưởng tư duy, chuyên môn trong công việc.
Bà Hà cho biết thực tế làm việc liên tục không hề tốt. Nghiên cứu của BetterUp (Mỹ) chứng minh làm việc 45 giờ/tuần không có lợi cho phần lớn người lao động (NLĐ). Về thể chất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo làm việc quá 55 giờ/tuần sẽ làm tăng 35% nguy cơ đột quỵ và 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Về tinh thần, làm việc nhiều còn đối mặt với tình trạng kiệt sức, trầm cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc và những mối quan hệ xung quanh.
"Nghỉ ngơi không chỉ để tái tạo sức lao động mà còn giúp cơ thể tạm ngắt khỏi sự căng thẳng. Nhờ đó, tinh thần, thể chất và sức khỏe não bộ được cải thiện, dẫn đến những thay đổi tích cực nơi công sở như gia tăng khả năng sáng tạo, cải thiện trí nhớ, tư duy nhạy bén, tăng tỉ lệ đưa ra các quyết định sáng suốt... Nghỉ ngơi cũng giúp nhân viên có thời gian nhìn lại công việc đang làm một cách hệ thống và toàn diện" - bà Hà nói.
Trong khi đó, bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc Làm Tốt, cho rằng tuy họ làm việc đến quên ăn quên ngủ, luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được giao, thậm chí còn làm nhiều hơn thế để khẳng định giá trị bản thân nhưng chắc chắn họ vẫn biết mình đang làm việc vì cái gì. Họ sẵn sàng từ bỏ những sở thích cá nhân, những thú vui giải trí kể cả những buổi hẹn hò nhưng chắc chắn họ có mục tiêu riêng để nghiện việc.
"Workaholic" cần được nhìn nhận tích cực hơn bởi đó là một thế hệ trẻ cầu tiến, không ngừng học hỏi, rèn luyện bản thân tốt hơn từng ngày. Tuổi trẻ đi qua rất nhanh nên hãy nỗ lực khi còn có thể. Tuy vậy, hãy xem nghiện việc chỉ là ngắn hạn bởi cuộc sống không chỉ có việc làm, hãy từng bước cân bằng để thấy tuổi thanh xuân thật ý nghĩa - bà Ngọc khuyên.
Xu hướng "hạnh phúc trong công việc" hay "duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống" đang lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam. Không chỉ cung cấp ngày nghỉ nhiều, đa dạng, nhiều DN chủ động tạo cơ hội để NLĐ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Bà Ngọc cho rằng một số DN cấp tiến tại Việt Nam đã triển khai các chương trình "tuần lễ nghỉ ngơi", "ngày sức khỏe"… để NLĐ có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Những sáng kiến này không chỉ giúp NLĐ vượt qua nỗi sợ FOMO công việc mà còn giúp DN cải thiện hình ảnh với NLĐ, từ đó gắn kết và giữ chân NLĐ ở lại lâu hơn.