Bình Dương: Tăng đãi ngộ để thu hút công nhân
Sau Tết Nguyên đán 2024, tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp (DN) căng băng-rôn tuyển dụng lao động cùng nhiều hình thức khác với những lời mời chào rất ấn tượng.
Bà Nguyễn Hà Bình, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (KCN Đồng An 1, TP Thuận An), cho biết DN đang tuyển 1.000 CN may nhưng rất khó tìm người, trong khi công ty đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn, như người giới thiệu và CN mới đều được thưởng, cùng các chế độ, chính sách, phụ cấp khác. Nhưng từ đầu năm đến nay, DN cũng chỉ mới tuyển được vài chục người.
Để bổ sung khoảng 500 lao động, Công ty TNHH Đại Hoa (TP Tân Uyên) đưa ra chính sách thưởng nóng 2 triệu đồng nếu người trong công ty giới thiệu được 1 CN mới vào làm việc. Đối với CN mới, ngoài các chế độ, chính sách hiện hành của công ty, mỗi tháng còn được thưởng sản xuất từ 300.000 đến 1 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (TP Dĩ An), cho biết tại công ty, hầu như cứ vào dịp đầu năm là CN nghỉ việc khoảng 10%, vì thế DN phải đăng tuyển dụng từ sớm để bù vào lượng thiếu hụt này. Năm nay, công ty tuyển hơn 600 lao động và vẫn duy trì chính sách CN quay trở lại làm việc vẫn tính mức lương cũ trước khi họ nghỉ việc.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, sau Tết, tình hình lao động trở lại công ty làm việc cơ bản ổn định, đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 98% DN trở lại hoạt động, hơn 95% lao động trở lại làm việc. Còn nhu cầu tuyển dụng những tháng đầu năm vẫn tập trung ở một số lĩnh vực như may mặc, giày da, gỗ... Theo dự báo, năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 8.000 DN tuyển dụng hơn 60.000 lao động.
Anh Nguyễn Văn Hải (39 tuổi, quê Quảng Bình) cho biết sau Tết anh muốn tìm công việc ổn định thay vì làm thời vụ như năm ngoái nên khi cầm hồ sơ đi xin việc, anh nhắm vào những DN có các chế độ lương, thưởng, phúc lợi tốt, được tăng ca nhiều và gần nơi ở cũng là một lợi thế. "Đi một vòng ở KCN Sóng Thần 2 và VSIP I, tôi thấy khá nhiều DN tuyển dụng, yêu cầu không quá khắt khe, có thể phỏng vấn xong là đi làm luôn. Tuy nhiên, để đáp ứng các nhu cầu của bản thân thì hơi khó, chỉ cần tương đối là được rồi" - anh Hải nói.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết nhằm hỗ trợ DN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thu thập thông tin việc làm trống của các DN để tuyên truyền đến người lao động. Đồng thời, tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, kết nối cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, kết nối DN đang có nhu cầu tuyển dụng với DN cắt giảm để điều tiết cho phù hợp. "Sở cũng có kênh kết nối chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học trên địa bàn để cho học viên, sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng tham gia vào quá trình tuyển dụng của DN" - ông Tuyên cho hay.